Góp ý dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương

Sáng ngày 7-9-2018, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện lãnh đạo, chuyên gia các bộ, ban, ngành ở Trung ương góp ý dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.


Dự thảo Quy định được xây dựng trên cơ sở sơ kết Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời cụ thể hóa những nội dung có liên quan trong các nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII)… Dự thảo Quy định do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị trình Bộ Chính trị có mục đích để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Dự thảo Quy định được bố cục thành 4 điều. Điều 1 quy định trách nhiệm nêu gương của đảng bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương và nhấn mạnh cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Điều 2 quy định từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương phải thực sự gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Điều 3 quy định từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Điều 4 quy định trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Quy định.

Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến phát biểu đồng ý với bố cục của dự thảo Quy định. Về nội dung, đa số ủng hộ việc xác định đối tượng chính của dự thảo Quy định là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng chịu quy định là các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nội dung Quy định cần khái quát, ngắn gọn, dễ nhớ; câu văn chặt chẽ, tránh khả năng bị xuyên tạc, cố tình hiểu sai. Có ý kiến đề nghị Quy định nên tập trung vào một số điểm cần quan tâm, cấp bách hiện nay, không nên dàn trải quá rộng. Quy định cần nhấn mạnh ý xây dựng đoàn kết, tự phê bình và phê bình như trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong cả sinh hoạt cá nhân ở gia đình, khu dân cư và nơi công tác. Trong triển khai thực hiện cần phát huy vai trò của cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt, của các cơ quan truyền thông trong việc giám sát đảng viên thực hiện Quy định …

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các đại biểu dự Hội nghị. Đồng chí đề nghị tổ biên tập xây dựng Quy định của Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng, sắp xếp, cơ cấu lại các mục trong Quy định cho phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao…


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất