Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Hội nghị cấp cao APEC 17
Chiều 14-11, phiên họp kín thứ nhất của Hội nghị cấp cao APEC 17 đã diễn ra tại Dinh Tổng thống Istana ở Thủ đô Singapore, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì phiên họp.
Với chủ đề "Kết nối khu vực", các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận về định hướng thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương. Phiên họp nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua các biện pháp tự do hóa thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường kết nối hệ thống dây chuyền cung ứng. Các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ quyết tâm cần có một thông điệp chính trị mạnh mẽ đến Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12 tới, ủng hộ nỗ lực chung sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha trong năm 2010. Chủ đề thương mại tự do được quan tâm mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo APEC đồng thuận rằng, ngoài những vấn đề tự do hóa đầu tư và thương mại truyền thống, APEC cũng cần tập trung vào các lĩnh vực mới, như khả năng kết nối và cải cách luật lệ, có cách tiếp cận thực tế hơn để kết nối các thị trường. Một số nhà lãnh đạo đề nghị tăng cường khả năng kết nối khu vực bằng cách cải thiện khả năng liên kết vận tải qua biên giới ở tất cả các hình thức, gồm liên kết đường bộ, đường không và đường biển. Một số quan điểm nêu bật sự cần thiết phải tập trung hơn vào cải cách cơ cấu để tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đề cập tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế và tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực hướng tới mục tiêu đó.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết kinh tế APEC, cho đây là chìa khóa thành công, là nền tảng vững chắc để APEC duy trì vai trò ở khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh, tình hình khu vực và quốc tế hiện nay đang mở ra những cơ hội mới, đồng thời cũng lộ diện những thách thức gay gắt. Ðó là tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Những thách thức này vượt ngoài khả năng giải quyết của một quốc gia, đòi hỏi APEC phải tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ. Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị, APEC cần tập trung thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Bô-go; đẩy mạnh và ưu tiên nâng cao năng lực hội nhập khu vực, khắc phục những trở ngại do chênh lệch trình độ phát triển như giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sạch... Các thành viên APEC cần cùng nhau tiếp tục nỗ lực giảm thiểu sự phân biệt đối xử trong thương mại đối với các thành viên đang phát triển; tận dụng các cơ chế liên kết khu vực và tiểu khu vực sẵn có, trong đó phát huy các chương trình kết nối hiện nay của ASEAN. Ðồng thời, tăng cường liên kết cần phải song hành với thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
* Sáng 14-11, bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 tại Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp APEC, với chủ đề "Tái thiết nền kinh tế toàn cầu". Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là diễn giả chính tại phiên thảo luận về "Ðầu tư phát triển tại các nền kinh tế mới nổi", một khía cạnh của quá trình tái thiết kinh tế toàn cầu từ góc nhìn và thực tiễn của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến trước đông đảo Tổng giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế, công ty lớn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều nền kinh tế mới nổi năng động và thành công nhất, góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới. Kể từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thế giới đã chứng kiến sự bùng phát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu và đóng góp đáng kể vào những thành tựu kinh tế ngoạn mục. Dòng vốn FDI có xu hướng suy giảm trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính thế giới, song được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2010 và tiếp tục tăng. Triển vọng này là do các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhận thấy ngày càng rõ cơ hội đầu tư trên thế giới nói chung và tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nói riêng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, vấn đề đặt ra đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không chỉ là thu hút được FDI, mà phải là thu hút một cách hiệu quả dòng vốn này.
Từ thực tiễn của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu những kinh nghiệm:
Thứ nhất, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, hoàn thiện luật pháp, cải cách hành chính đi cùng với phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ tịch nước khẳng định, thu hút hiệu quả luồng vốn FDI luôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, để thu hút FDI thật sự hiệu quả, việc tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, giảm thiểu chi phí giao dịch và đặc biệt là bảo đảm ổn định chính trị, xã hội có ý nghĩa hơn nhiều so với các biện pháp kích thích tài chính như giảm thuế, miễn thuế.
Thứ hai là, gắn kết chính sách vượt qua khó khăn trong ngắn hạn với tạo dựng tiền đề tốt hơn cho phát triển bền vững trong dài hạn. Chẳng hạn, khi đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2008 và cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hiện nay, Việt Nam đã thực thi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kịp thời chuyển sang thực hiện gói kích thích kinh tế, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, những cải cách nhằm hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, nhất là về tài chính, đất đai, lao động, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách doanh nghiệp nhà nước... vẫn được triển khai quyết liệt.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, cần có biện pháp hạn chế những rủi ro có thể phát sinh khi luồng vốn bên ngoài gia tăng, trong đó có vốn FDI. Bài học rút ra ở đây là cần có ứng xử khéo léo với các dòng vốn nước ngoài, để vừa thu hút được nguồn lực cho phát triển, đồng thời hạn chế được những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô không đáng có.
Ðề cập vấn đề APEC đang phải đối phó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Ðại suy thoái 1929-1933 và đặt ra nhiều vấn đề mới đáng suy nghĩ, APEC phải coi trọng và tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực. Quyết tâm và nỗ lực của mỗi nền kinh tế là vô cùng cần thiết, nhưng vai trò phát triển và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nói riêng phải có trách nhiệm cùng với Chính phủ và cộng đồng tháo gỡ khó khăn để tái thiết nền kinh tế.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống LB Nga D.Medvedev; tiếp Tổng Giám đốc toàn cầu về Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Microsoft C.Mun-đi và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens P.Lo-sơ.
                                                                                                    (Nguồn: Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất