Ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 luật và bộ luật, 2 nghị quyết. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo.
Các luật và bộ luật được công bố gồm: Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Luật Công đoàn; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước và Luật Biển Việt Nam. Hai nghị quyết được công bố bao gồm Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Đây là các bộ luật, luật và nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.
Luật Biển Việt Nam gồm 7 Chương và 55 Điều. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển.
Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, qua Luật Biển, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013, gồm 17 chương, 240 điều; quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động; người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Đáng chú ý, theo bộ luật này, sẽ chính thức áp dụng quy định tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch từ 4 ngày hiện hành lên 5 ngày. Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013; quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.
Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013; quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của luật này, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013; quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013; quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; chức năng, quyền, trách nhiệm của công đoàn. Luật cũng quy định về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với công đoàn; bảo đảm hoạt động của công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, quy định về hoạt động quảng cáo, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Các thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước CHXNCN Việt Nam, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 Chương, 39 Điều, được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Luật Giá gồm 5 Chương, 48 Điều. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, so với Pháp lệnh giá đang hiện hành, Luật Giá có điểm mới là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng. Với việc Luật Giá được thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai, minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế; là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường. Luật Giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân có hiệu lực thi hành ngay từ ngày thông qua; ban hành chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức và cá nhân trong năm 2012.
Hồng Phúc (tổng hợp)