Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang (Quảng Nam) lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020
Đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo
Từ ngày 7 đến này 9-7-2015, Đảng bộ huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Các đồng chí: Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội có đại diện Vụ Địa phương II (Ban Tổ chức Trung ương); các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng 270 đại biểu đại diện cho 2.175 đảng viên thuộc 51 TCCSĐ trực thuộc Huyện ủy về dự Đại hội.

Với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; quyết tâm xây dựng Nam Giang ngày càng phát triển”, Đại hội đã tập trung thảo luận, thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015; thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đã nêu: 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi đã tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ huyện thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đề ra.

Kinh tế tiếp tục phát triển khá. Giá trị sản xuất của các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp chiếm 56,4%, tăng bình quân 6,24%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 22,9%, tăng bình quân 43,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 20,7%, tăng bình quân 21,51% so với Nghị quyết đề ra. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng, với tổng giá trị trên 984 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - TTCN và xây dựng đạt gần 976 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển khá, tổng giá trị đạt được gần 672 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm đạt gần 1.861 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách gần 1.853 tỷ đồng, tăng bình quân 7%/năm. Kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường, hệ thống giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, trường học, trạm xá và một số công trình phúc lợi xã hội khác được chú trọng, với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trong 5 năm qua trên 420 tỷ đồng. Tập trung mọi nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, bộ mặt nông thôn dần được khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc; mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển ở tất cả các ngành học, cấp học; toàn huyện có 9/24 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm chỉ đạo. Lĩnh vực văn hoá, thể thao; thông tin và truyền thông đạt được nhiều thành quả tích cực; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tiếp tục được duy trì phát triển; việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống luôn được quan tâm, chú trọng, hiện toàn huyện có 47/63 thôn có nhà Gươl. Quan tâm, tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm từ 72,12% đầu nhiệm kỳ xuống còn 53% cuối nhiệm kỳ, bình quân hằng năm giảm 3%. Tập trung triển khai các giải pháp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; trong 5 năm, đã có 5.640 lao động được đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 35% so với tổng số lao động. Hoạt động đối ngoại nhân dân giữa 2 địa phương Nam Giang và Đắc Chưng (Sê Kông - Lào) được đẩy mạnh, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Hoạt động của các cơ quan dân cử có nhiều tiến bộ; chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Công tác xây dựng đảng đạt nhiều kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Công tác chính trị, tư tưởng được thực hiện đồng bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Công tác quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, góp phần phát hiện tạo được nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số lâu dài. Trong 5 năm qua, đã có 281 lượt cán bộ được cử đi đào tạo (đào tạo về lý luận chính trị 237 đồng chí, đào tạo về chuyên môn 44 đồng chí). Trong nhiệm kỳ, đã bổ nhiệm 40 trường hợp; bổ nhiệm lại 9 trường hợp và luân chuyển 2 trường hợp; tuyển dụng, bố trí 4 cán bộ là trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi theo Đề án 500 của Bộ Nội vụ và 11 cán bộ theo Đề án 500 của tỉnh; tuyển dụng, bố trí công tác cho 34 em/100 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp ra trường. Công tác xây dựng, củng cố kiện toàn TCCSĐ và phát triển đảng viên được coi trọng cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp được 694 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được gần 140 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; đến nay 100% số thôn đều có chi bộ đảng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được các cấp uỷ đảng quan tâm. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật và nâng cao sức chiến đấu của TCCSĐ. Công tác dân vận được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả cụ thể, trong hoạt động đã có sự đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, lề lối làm việc của các cấp ủy đảng có nhiều cải tiến, đổi mới đảm bảo được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực.

Báo cáo chính trị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ qua như: Kinh tế tuy có bước tăng trưởng nhưng chưa bền vững, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của huyện; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được định hình rõ nét để tập trung lãnh, chỉ đạo hiệu quả; thương mại, dịch vụ chưa phát triển, còn nhỏ lẻ. Các hoạt động hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, thường xuyên, liên tục mới chỉ tập trung ở 2 xã điểm La Dê và Tàbhing. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tuy có giảm, nhưng thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khai thác trái phép khoáng sản chưa được giải quyết triệt để. Trong cải cách hành chính, tuy đã có chuyển biến, song nhìn chung kết quả đạt được vẫn còn có mặt hạn chế nhất định, nhất là ở cơ sở. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa ngang tầm với yêu cầu của tình hình mới. Việc thực hiện quy chế làm việc của một số cấp uỷ chưa nghiêm túc, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa được nâng cao.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và quân, dân huyện Nam Giang đã nỗ lực thực hiện đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần sớm khắc phục để đưa huyện tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ đến. Đồng chí nhấn mạnh: Trong thời gian đến, Đảng bộ cần phát huy những lợi thế của địa phương; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Tích cực xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề văn hoá - xã hội; chăm lo đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Song song với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ cần tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức đảng; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy để đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với mục tiêu tổng quát “Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung khai thác tốt mọi tiềm năng, ra sức phát triển sản xuất, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần nhân dân, phấn đấu đưa Nam Giang sớm thoát khỏi huyện nghèo và ngày càng phát triển bền vững; giữ vững quốc phòng - an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội”, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ huyện Nam Giang đã cụ thể hóa thành 15 chỉ tiêu và 11 nhóm giải pháp, trong đó có một số chỉ tiêu như: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 6.700 tấn/năm. Tổng giá trị sản xuất: Nông, lâm nghiệp tăng bình quân hằng năm 5-7%; Công nghiệp - TTCN tăng bình quân hằng năm 15-20%; Thương mại, dịch vụ, du lịch tăng bình quân hằng năm: 20-25%. Thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng bình quân hằng năm 15 - 20%. Phấn đấu đến năm 2020 có 4 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 4-5%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16%. Tuyển quân hằng năm đạt chỉ tiêu 100%. Có trên 65% TCCSĐ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, không có TCCS đảng yếu kém. Hằng năm, kết nạp 90 đảng viên trở lên.


Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt Đại hội.

Phát huy dân chủ, Đại hội đã bầu 43 đồng chí (danh sách bầu cử có 49 đồng chí, tỷ lệ số dư 13,95%) vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 (trong đó: tái cử: 31 đồng chí, đạt tỷ lệ 72,09%; nữ: 6 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,95%; trẻ dưới 35 tuổi: 2 đồng chí, tỷ lệ 4,65%, dân tộc thiểu số: 27 đồng chí, tỷ lệ 62,79%, nhiều hơn nhiệm kỳ trước 5 đồng chí, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương). Đại hội cũng đã bầu 10 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Giang khóa XIX, đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 13 đồng chí (danh sách bầu cử có 15 đồng chí, tỷ lệ số dư 15,3%); bầu Bí thư và 2 Phó Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 7 đồng chí (danh sách bầu cử có 8 đồng chí, tỷ lệ số dư 14,28%) và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Đồng chí Chờ Rum Nhiên đã được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy nam Giang, nhiệm kỳ 2015-2020, với tổng số phiếu 43/43, tỷ lệ 100%; các đồng chí Lê Văn Hường, Ă Lăng Mai đều được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trương Đình Công được tín nhiệm bầu tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nam Giang, nhiệm kỳ 2015-2020.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất