Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trảng Bàng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Đại hội
Các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Lưu Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Hùng Việt, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại điện lãnh đạo các vụ của các ban đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh, cùng 300 đại biểu đại diện cho 3.400 đảng viên Đảng bộ huyện Trảng Bàng tới dự.
 
Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bàng đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi; khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; có 18/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết. Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,77%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh về giá trị công nghiệp và dịch vụ - thương mại, giảm dần về giá trị nông nghiệp; dự kiến đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 67,43% - thương mại - dịch vụ 17,81% và nông - lâm - thuỷ sản là 14,76%. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 4,2%, trong đó tỷ trọng chăn nuôi chiếm 20,57%. Thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn, với tổng diện tích khoảng 1.200 ha/năm. Chương trình xây dựng nông thôn có nhiều chuyển biến, đạt một số kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2014, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới xã điểm An Tịnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 12,09%/năm. 5 năm qua, trên địa bàn huyện thu hút được 41 dự án đầu tư, trong đó có 31 dự án đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển, hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy tăng nhanh. Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút 180 dự án, chiếm 72% số dự án trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh (trong đó có 140 dự án FDI), với tổng số vốn đăng ký hơn 4.248 tỷ đồng, hiện có 143 dự án đi vào hoạt động, 9 dự án đang triển khai; cá dự án thu hút gần 43,5 vạn lao động. Ngành nghề thủ công truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển. Có 3 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận (nghề rèn ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc; nghề bánh tráng phơi sương ở thị trấn Trảng Bàng và nghề mây tre lá xã An Hoà). Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân hằng năm 11,82%/năm. Siêu thị Co.opMart Trảng Bàng được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy thương mại của huyện phát triển. Thu ngân sách hằng năm đạt và vượt dự toán. Tốc độ thu ngân sách tăng bình quân hằng năm 14,78%. Chương trình đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 đạt kết quả quan trọng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 5 năm qua là 498.103 tỷ đồng. Các thành phần kinh tế được quan tâm, tạo điều kiện hoạt động; trong 5 năm đã phát triển mới 296 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 486 tỷ đồng, cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 2.192 hộ. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị được quan tâm thường xuyên; trong 5 năm đã rà soát đề nghị tỉnh xóa 3 quy hoạch treo, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới tất cả các xã; đặc biệt, đã tập trung đầu tư, chỉnh trang thị trấn Trảng Bàng đạt tiêu chí đô thị loại IV.
    
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên. Đến nay, có 97,53% số ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 6/11 xã đạt chuẩn văn hóa; 100% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa; 98% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% số xã, thị trấn có sân bóng đá, sân bóng chuyền. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các bậc học hằng năm đều tăng; hiện bậc tiểu học và THCS đạt trên 98%, THPT đạt trên 90%; huy động 99% số trẻ 5 tuổi học mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Hiện trên địa bàn huyện đã đạt 4,8 bác sĩ, dược sĩ/1 vạn dân; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã xây dựng mới và sửa chữa 179 nhà tình nghĩa, xây mới 610 nhà đại đoàn kết; tỷ lệ hộ nghèo giảm, hiện chỉ còn dưới 1,5%.
    
Công tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, hoàn thành công tác phân giới, cắm 100% số cột mốc. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; tai nạn giao thông giảm qua từng năm.
    
Công tác xây dựng đảng được chú trọng thường xuyên trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt những kết quả quan trọng. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp được 591 đảng viên (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 41 đảng viên).
    
Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm như: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt Nghị quyết đề ra; nông nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế biên mậu chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng sinh tế xã hội thiếu đồng bộ; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, kết quả chưa toàn diện. Nguồn nhân lực, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Văn hóa - xã hội phát triển chưa toàn diện. An ninh trật tự còn có những diễn biến phức tạp. Hoạt động của hệ thống chính trị ngang tầm; công tác xây dựng đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị có mặt còn hạn chế, kết quả chưa toàn diện, vững chắc...
    
Đại hội đã thông qua các mục tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020: Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm từ 11% trở lên; trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5% trở lên, công nghiệp tăng 12% trở lên, thương mại - dịch vụ tăng 8% trở lên; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 10% trở lên. Đến năm 2020, huyện có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở; 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số dân đô thị và 90% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trở lên; hằng năm tạo việc làm cho 2.500 lao động. Đảng bộ huyện phấn đấu hằng năm có 50% số tổ chức cơ sở đảng trở lên đạt trong sạch, vững mạnh; các xã biên giới không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; có 85% số đảng viên trở lên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10-15% số đảng viên hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ; trong nhiệm kỳ kết nạp trên 400 đảng viên mới.
    
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh biểu dương những thành tựu Đảng bộ và nhân dân huyện Trảng Bàng đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của huyện Trảng Bàng trong chiến lược phát triển của tỉnh; lưu ý một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Tràng Bàng cần phải nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất.
    
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Phuông nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ tới, huyện Trảng Bàng cần quan tâm chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, nhất là việc chú trọng định hướng, khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất bốn nhà để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Có giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp. Quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác phát triển; chú trọng bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống. Chủ động, linh hoạt đề ra các giải pháp huy động mọi nguồn lực, nhất là các giải pháp huy động sức dân để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư các nguồn lực cho phát triển đô thị gắn với nâng cao năng lực quản lý đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng Trảng Bàng trở thành thị xã vào năm 2017. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình hợp tác và phát triển. Cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phát huy dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ. Nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền MTTQ và các đoàn thể. Tổ chức triển khai tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương; quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Thực hiện tốt việc kiện toàn, sắp xếp cán bộ, tinh giản biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ; xây dựng cho được đội ngũ cán bộ ngang tầm với sự phát triển, nhất là khi Trảng Bàng phấn đấu trở thành thị xã trong vài năm tới.
    
Đồng chí Võ Văn Phuông lưu ý: Trảng Bàng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có lực lượng cách mạng lão thành, đảng viên đông đảo, vì vậy Đảng bộ huyện cần coi trọng việc kế thừa và phát những thành tựu, kinh nghiệm qua các thời kỳ, động viên sức sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 


Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy Trảng Bàng.
    
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm cao, Đại hội đã bầu 39 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 45 đồng chí dự bầu. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 13 đồng chí (có 1 nữ); bầu 2 Phó Bí thư Huyện ủy; bầu UBKT Huyện ủy gồm 6 đồng chí và Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy.
    
Đại hội đã tiến hành bầu trực tiếp bí thư; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy Trảng Bàng với tỷ lệ phiếu bầu 97,33%.
    
Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 25 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất