Sáng 12-5, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc thống nhất ý chí và hành động để phát huy sức mạnh của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các tôn giáo, nhân sỹ trí thức, doanh nhân là người dân tộc thiểu số và 1.702 đại biểu đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số về dự.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi Lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng Đại hội.
Khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội khẳng định: Đây là lần đầu tiên Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc. Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài của cách mạng, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Tạo mọi điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đồng lòng, chung sức từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư nêu rõ: Trong những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng. Từ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho đến phát triển các mặt kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh và phát động các phong trào quần chúng…
Điều đáng ghi nhận nữa là đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đã có bước trưởng thành.
Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào cả nước thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng cùng với sự phát triển chung của cả nước, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước.
Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; học tập tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là một cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và phát triển bền vững của đất nước và dân tộc. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác ở các điạ bàn vùng dân tộc, phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kiết dân tộc...
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kêu gọi đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 do Đại hội đề ra…
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".
Đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt
Trình bày báo cáo Chính trị tại Đại hội, đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Hơn 80 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp cách mạng của cả nước. Vùng dân tộc thiểu số là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng, một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ, không ngại gian khổ, hy sinh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc đã có những chuyển biến quan trọng. Các địa phương vùng dân tộc đạt tốc độ phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Hàng năm số hộ nghèo giảm 4-5%. Thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Công tác giáo dục, đào tạo ở các vùng dân tộc đạt được những thành quả quan trọng. Đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đều có trường học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng các dân tộc được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng dân tộc có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng được tăng cường. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng nêu rõ, công tác dân tộc còn những hạn chế: tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, số hộ tái nghèo còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đội ngũ cán bộ thiếu và yếu. Tổ chức chính quyền cơ sở một số nơi còn yếu kém, hiệu quả hoạt động chưa cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định…
Đại hội cũng đề ra mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc đến năm 2020, gồm: phấn đấu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các dân tộc, các vùng; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, mỗi năm từ 4 đến 5% hộ nghèo; các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu: Đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm các xã, thôn, bản; có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhân dân được chăm sóc và khám chữa bệnh; hầu hết hộ đồng bào có nhà ở ổn định, có điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, đảm bảo trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấu đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, người lao động được đào tạo nghề; văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.
Tại Đại hội này, đồng bào các dân tộc hứa: Tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; luôn cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, gây mất ổn định trật tự xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam nguyện mãi mãi thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất sẽ bế mạc vào chiều 13-5.
(Nguồn: VOV.vn)