Đắk Lắk đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm, đại hội thí điểm đảng bộ cấp cơ sở
Đồng chí Ê Ban Y Phu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm, đại hội thí điểm đảng bộ cấp cơ sở. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Ê Ban Y Phu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Phú, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban đảng của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; các đồng chí trong Tổ chỉ đạo đại hội điểm của tỉnh; đại diện thường trực, trưởng, phó ban tổ chức cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 4 đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; chọn 10 TCCSĐ, gồm 8 xã, 2 phường để thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường. Ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã chọn 23 TCCSĐ (13 xã, 2 phường, 1 thị trấn, 3 doanh nghiệp, 1 sự nghiệp và 2 hành chính, 1 lực lượng vũ trang) để thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; chọn 11 TCCSĐ để tiến hành đại hội điểm để rút kinh nghiệm (3 xã, 2 sự nghiệp, 2 hành chính, 4 lực lượng vũ trang); có 6 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy không chọn đại hội điểm TCCSĐ.

Tính đến ngày 10-4-2015, 4 đảng bộ cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn và 15/23 TCCSĐ được ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy chọn thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2015-2020. Nhìn chung, các TCCSĐ đã bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương và của cấp trên; chuẩn bị chu đáo các nội dung công việc trước và trong đại hội; nội dung tuyên truyền tạo được bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong đảng bộ và các tầng lớp nhân dân địa phương, đơn vị. Trong đại hội, việc thảo luận báo cáo chính trị khá sôi nổi, phong phú. Thời gian dành cho thảo luận tương đối hợp lý và được bố trí linh hoạt, xen kẽ với công tác bầu cử. Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá mới được các cấp uỷ chú trọng, nhất là việc rà soát, kết luận cụ thể những nhân sự được giới thiệu có liên quan đến lịch sử chính trị. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, cấp uỷ cơ sở hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ báo cáo cấp uỷ cấp trên thẩm định, trong đó có quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ nhiệm kỳ tới. Căn cứ vào quy hoạch và phương hướng công tác nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ tới, đảng uỷ cơ sở chỉ đạo các chi bộ trực thuộc giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ nhiệm kỳ tới. Đảng uỷ đã tổng hợp kết quả giới thiệu của các chi bộ, tổ chức việc lấy ý kiến của đại diện mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cho phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ nghe kết quả giới thiệu của các chi bộ và ý kiến của đại diện mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khoá tới; đồng thời, thảo luận và bỏ phiếu kín giới thiệu danh sách tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ khoá mới. Những đồng chí được giới thiệu vào danh sách bầu cử đều được trên 50% uỷ viên ban chấp hành đảng bộ tín nhiệm. Các đảng bộ khi chuẩn bị nhân sự cấp uỷ đã chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng và xác định cơ cấu phù hợp với thực trạng đội ngũ đảng viên của đảng bộ. Số lượng đảng viên giới thiệu để trình ra đại hội nghiên cứu giới thiệu vào danh sách bầu cử đều có số dư theo quy định. Đa số những người được cấp ủy giới thiệu đều được đại hội bầu với số phiếu cao, điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị nhân sự của các đảng uỷ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đúng quy trình.

Công tác nhân sự trong đại hội được các cấp ủy triệu tập đại hội thực hiện đúng theo Quy chế bầu cử trong Đảng của Ban Chấp hành Trung ương và Hướng dẫn của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Quy trình chuẩn bị và giới thiệu nhân sự được thực hiện một cách chặt chẽ, phát huy dân chủ nên việc bầu ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội phần lớn trúng theo dự kiến đã được ban thường vụ cấp uỷ cấp trên thông qua.

Kết quả bầu cử ở 4 đảng bộ cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy có số lượng uỷ viên ban chấp hành do đại hội quyết định là 50 đồng chí (giảm 8 đồng chí so với nhiệm kỳ trước). Số tái cử: 33 đồng chí, chiếm 66%; là người dân tộc thiểu số 4 đồng chí chiếm 8%, tăng 2,82% so với nhiệm kỳ trước; là nữ: 8 đồng chí chiếm 16%, tăng 2,20% so với nhiệm kỳ trước. Tuổi từ 30 trở xuống là 2 đồng chí, chiếm 4%, tăng 2,8% so nhiệm kỳ trước; từ 31 đến 40 là 14 đồng chí, chiếm 28%, tăng 4,65% so với nhiệm kỳ trước. Nhìn chung, độ tuổi của ban chấp hành trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Về trình độ: Ban chấp hành mới có có trình độ sau đại học là 5 đồng chí, chiếm 10%; cao đẳng đại học 34 đồng chí, chiếm 68%, tăng 9,6% so với nhiệm kỳ trước; trình độ lý luận chính trị cao cấp cử nhân là 14 đồng chí, chiếm 28%, trung cấp 26 chiếm 52%.

Bên cạnh đó, công tác bầu cử uỷ viên ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư cấp ủy đều đảm bảo quy trình. Những điểm mới được quy định trong Quy chế bầu cử trong Đảng đều được thực hiện nghiêm túc, không có xảy ra sai sót. Việc bầu đại biểu (kể cả đại biểu chính thức và dự khuyết) đi dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên đảm bảo đúng quy trình, thể hiện tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao của đại hội. Việc bầu cử đại biểu dự khuyết chỉ bầu 1 lần là đủ.

Tuy nhiên, báo cáo chính trị của một số đại hội còn dàn trải, nặng về liệt kê số liệu, chưa tổng kết được thực tiễn; xác định phương hướng, mục tiêu, giải pháp chưa cụ thể, chưa có tính đột phá, chưa thể hiện rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Các chỉ tiêu đưa ra chưa căn cứ trên cứ liệu khảo sát khoa học, quyết tâm chính trị và tính chiến đấu chưa cao. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành một số nơi còn dài và trùng lặp với nội dung của báo cáo chính trị; chưa đánh giá đúng mức những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực hoạt động của đảng bộ và các nhiệm vụ được phân công phụ trách; chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi cấp ủy viên về những hạn chế, khuyết điểm, trên cơ sở đó để phân tích, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém để đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục. Có nơi không đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế; vẫn còn tình trạng đọc tham luận được chuẩn bị trước tại đại hội. Tiến độ đại hội điểm ở một số đảng bộ chậm so với kế hoạch. Việc chuẩn bị nhân sự ở một số đảng bộ còn gặp khó khăn về cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ trẻ. Công tác nhân sự cấp ủy, một số nơi chuẩn bị chưa kỹ, chưa đánh giá đúng tình hình, chưa làm tốt công tác tư tưởng nên có trường hợp được cấp ủy triệu tập đại hội dự kiến tham gia ban thường vụ nhưng không trúng cử ban chấp hành, như ở Đảng bộ xã Ea Kpam vẫn có một nhân sự dự kiến cơ cấu vào cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ sau đã không trúng cử vào cấp ủy. Nhân sự dự kiến bầu giữ chức Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư qua 2 lần bầu vào ban thường vụ đều không đạt quá 50% số phiếu; nhân sự bầu chức danh phó bí thư đảng uỷ có số phiếu bầu thấp, chỉ đạt 55%.

Qua đại hội điểm, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã rút ra một số kinh nghiệm sau:

1- Về việc xây dựng báo cáo chính trị của các TCCSĐ phải bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình TCCSĐ để nội dung báo cáo cho phù hợp; báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ phải nêu rõ kết quả khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra sau khi kiểm điểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Báo cáo chính trị cần súc tích, ngắn gọn, nêu được những vấn đề cơ bản cần đánh giá; đầu tư nhiều hơn vào phần phương hướng, nhiệm vụ. Báo cáo phải cân đối giữa các phần, tránh thiên về phần kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chuyên môn mà xem nhẹ phần xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng.

2- Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên cơ sở khi duyệt nội dung và nhân sự phải chặt chẽ. Đối với báo cáo chính trị cần soát xét thật kỹ bố cục, nội dung, các chỉ tiêu phải đảm bảo sự định hướng chung... để nâng cao chất lượng của báo cáo. Đối với công tác nhân sự phải xem xét quy trình chuẩn bị, kiểm tra chất lượng, cơ cấu nếu thấy chưa hợp lý chỉ đạo điều chỉnh kịp thời nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và đúng quy trình. Cần phải xác định công tác chuẩn bị nội dung và nhân sự càng chặt chẽ thì kết quả của đại hội càng cao.

3- Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên cơ sở cũng cần phải phân công cụ thể các đồng chí uỷ viên thường vụ, cấp uỷ viên, các ban xây dựng Đảng trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo đại hội của tất cả các TCCSĐ. Các đồng chí được phân công tham gia chỉ đạo đại hội cần phải nghiên cứu kỹ các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến việc tổ chức đại hội để có sự hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất và hạn chế được sự lúng túng.

4- Tổ chức tham gia ý kiến vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng và báo cáo chính trị của cấp trên nên làm trước khi đại hội là hợp lý. Song, phải có người hướng dẫn thảo luận am hiểu vấn đề; đối với cấp uỷ cấp trên phải có văn bản hướng dẫn thảo luận báo cáo chính trị cấp mình để cơ sở tham gia ý kiến. Nơi có điều kiện thuận lợi nên tổ chức lấy ý kiến của quần chúng vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Việc tổng hợp ý kiến  phải theo từng văn bản, từng nội dung và theo từng mức độ tham gia ý kiến; đồng thời phải trung thực, nếu vấn đề còn có ý kiến trái ngược nhau thì cũng phải được tổng hợp trình ra đại hội để thảo luận dân chủ, thể hiện được chính kiến của đại hội. Quá trình thảo luận tại đại hội vai trò của đoàn chủ tịch là rất quan trọng, ngoài việc đọc bản tổng hợp và hướng dẫn tham gia ý kiến, nên gợi ý những vấn đề cần xin ý kiến đại hội để đại hội thảo luận sôi nổi, dân chủ.

5- Công tác nhân sự trước và trong đại hội cần chú ý phát huy dân chủ, công khai, đảm bảo quy trình, Quy chế bầu cử trong Đảng, không bỏ qua các bước trong quy trình.

Việc chuẩn bị nhân sự cần phải chú ý đảm bảo tiêu chuẩn nhưng phải gắn với cơ cấu theo đúng tinh thần Chỉ thị 36-CT/TW, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW và Kế hoạch số 93-KH/TU; chú trọng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ trẻ; kiên quyết thực hiện đúng chủ trương đổi mới 1/3 cấp uỷ. Đối với xã, phường, thị trấn giảm tỷ lệ nhân sự là cán bộ hưu trí. Đề cao vai trò, trách nhiệm của ban thường vụ và cấp uỷ đương nhiệm trong công tác chuẩn bị nhân sự.

Vai trò của đoàn chủ tịch điều hành đại hội là hết sức quan trọng trong công tác bầu cử; cần dành thời gian thoả đáng để đại hội thảo luận về cơ cấu cấp ủy cho phù hợp nhằm phát huy tinh thần dân chủ; bảo đảm được các nguyên tắc nhưng đồng thời cũng tạo được sự thống nhất cao trước khi đưa ra danh sách bầu cử. Phải chuẩn bị thật kỹ các nội dung, xây dựng kịch bản, cân đối thời gian, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, hợp lý cho các thành viên đoàn chủ tịch và cung cấp đầy đủ các tài liệu, văn bản liên quan đến nhiệm vụ được phân công. Việc điều hành công tác nhân sự cần chuẩn bị bằng văn bản với các phương án, tình huống có thể xảy ra, chủ động, bám sát quy định để điều hành, tạo không khí dân chủ, đoàn kết tại đại hội...

Tổ công tác cấp huyện phải theo dõi, chỉ đạo sát sao, nắm rõ Quy chế bầu cử trong Đảng, các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử để hướng dẫn các TCCSĐ đại hội theo đúng quy trình… Ban kiểm phiếu phải chọn được những người có năng lực, kinh nghiệm kiểm phiếu và có sự phân công cụ thể, hướng dẫn chi tiết về thể lệ bầu cử; nên sử dụng phần mềm kiểm phiếu để đảm bảo nhanh, chính xác, đúng quy định.

6- Trong trang trí và nghi thức đại hội cần chú ý đến từng chi tiết kể cả khẩu hiệu, băng nhạc, hát Quốc ca, Quốc tế ca. Chương trình đại hội không nhất thiết phải xác định thời gian cho từng phần nội dung, mà chỉ cần nêu nội dung của đại hội chung là được và tuỳ tình hình đoàn chủ tịch sẽ điều hành đại hội. Chương trình đại hội nên thông báo theo từng buổi làm việc và có sự phân công trong đoàn chủ tịch điều hành từng nội dung của đại hội. Việc bố trí thời gian thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, đến báo cáo chính trị của cấp uỷ cấp trên sau và cuối cùng là báo cáo chính trị của TCCSĐ là hợp lý và đảm bảo tính khoa học, nhưng cũng có thể tổ chức thời gian thảo luận báo cáo chính trị của TCCSĐ xen kẽ với thời gian bầu cử để tranh thủ thời gian.

7- Thời gian tổ chức đại hội đối với TCCSĐ hành chính, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, nơi không có vấn đề gì phức tạp có thể thực hiện trong 1 ngày, còn các TCCSĐ khác ít nhất phải 1,5 ngày thì mới đảm bảo thực hiện tốt các nội dung của đại hội. Đối với những TCCSĐ có số lượng đảng viên đông nên tổ chức đại hội trù bị với thời gian đại hội trù bị không quá 1 buổi.

Nguyễn Phú Lập
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất