Ngày 20-12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” xác định 6 vấn đề cốt lõi: Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả là trách nhiệm, sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam; chủ động phát triển quan hệ lao động theo quy định pháp luật; giữ vững sự thống nhất của người lao động thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát triển đất nước; khẩn trương xây dựng nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn cho đoàn viên; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách đủ chuẩn, chất lượng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn. Để triển khai, Đề án cũng nêu 9 chương trình hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, quá trình hội nhập sẽ khiến Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội đầu tiên chịu nhiều áp lực nhất. Để phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, việc đổi mới tổ chức và hoạt động là yêu cầu cấp thiết. Đây cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TLĐ của Hội nghị Trung ương IV, khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết cấu Đề án; nội hàm khái niệm quan hệ lao động, nguyên tắc của CĐ tham gia quan hệ lao động, các chính sách đối với cán bộ Công đoàn, phương thức lãnh đạo; mô hình tổ chức CĐ các cấp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý trong tình hình mới, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải nghiên cứu kỹ để xác định được nhân tố mới xuất hiện trong hệ thống công đoàn sau hơn 30 năm đổi mới, để từ đó đề ra được những giải pháp hiệu quả. Sự biến động lớn nhất trong hoạt động của hệ thống công đoàn hiện nay là đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đang ngày càng nhiều tạo nên sự đa dạng trong việc tổ chức hoạt động. Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt phải coi công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong thời gian tới; việc xây dựng Đề án phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và theo hướng hoàn thiện bộ máy của tổ chức công đoàn tin gọn và hiệu quả.
Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận trung ương, nhấn mạnh, trong tương lai, số lượng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ tăng rất mạnh, thu hút đông đông đảo đoàn viên công đoàn. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam buộc phải đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới tổ chức, nội dung để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để hoàn thiện Đề án theo hướng tiếp tục duy trì vai trò quan trọng, nền tảng của công đoàn cơ sở.
Đồng chí Trương Thị Mai tin tưởng với bề dày kinh nghiệm, thành tích và truyền thống cách mạng, tổ chức công đoàn mãi mãi xứng đáng là người đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động; dù còn khó khăn vẫn giữ vững bản chất, bản lĩnh, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội quan trọng trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
TH