Sáng 17-9, Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị góp ý kiến vào Đề án "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (gọi tắt là Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng). Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng các đồng chí Ủy viên Quân ủy Trung ương và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; thành viên Ban soạn thảo đề án.
Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai xây dựng theo chương trình làm việc toàn khóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Quá trình triển khai xây dựng, Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo đã tổ chức khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương; đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và một số cơ quan nghiên cứu ở Trung ương. Đề án được kết cấu gồm 5 phần, bao gồm: Phần mở đầu; thực trạng công tác xây dựng Đảng; mục tiêu, quan điểm, giải pháp; tổ chức thực hiện; đề xuất, kiến nghị. Đề án nêu rõ: Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Đảng ta đã thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ còn nhiều khuyết điểm, bất cập...
Từ đánh giá, nhận định nêu trên, đề án tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tập trung nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả 10 nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đồng thời chỉ rõ phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng. Để thực hiện tốt những nội dung nêu trên, căn cứ vào tình hình thực tiễn, đề án vừa tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như: Đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng, cơ chế vận hành, công tác cán bộ...; vừa phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, đồng thời xác định một số vấn đề mới và đề ra một số giải pháp đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo đề án và các yêu cầu đặt ra trong quá trình khảo sát, xây dựng đề án, Quân ủy Trung ương đã thảo luận, phân tích và tham gia ý kiến một cách toàn diện các nội dung, vấn đề được đề cập trong đề án. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm, gồm: Thực trạng và giải pháp chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống; những biểu hiện của sự quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; biểu hiện và những giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; thực trạng và giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức... Các ý kiến phát biểu tại hội nghị không chỉ đề cập, phân tích một cách toàn diện các nội dung của đề án, mà còn đi sâu phân tích cụ thể từng nội dung, vấn đề. Nhiều ý kiến phân tích, dẫn chứng từ kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, nhất là những kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI để từ đó đề xuất các giải pháp trong triển khai thực hiện. Ý kiến tại hội nghị khẳng định: Đềán được xây dựng hết sức công phu, khoa học, đánh giá đúng thực trạng kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thể hiện tính chiến đấu cao. Để án cũng đã xác định được hệ thống giải pháp vừa mang tính căn bản, vừa mang tính cấp thiết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.
Qua thảo luận, Quân ủy Trung ương thống nhất cao, đồng thời khẳng định: Đề án "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cung cấp những dữ liệu để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định các chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Hội nghị thống nhất cao với 5 nhóm giải pháp được đề cập trong đề án, gồm: Các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI; các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo và giáo dục chính trị, tư tưởng; các giải pháp về tổ chức bộ máy của Đảng và công tác cán bộ; các giải pháp về kiểm soát kiểm lực, cơ chế, chính sách; các giải pháp phòng chống tham nhũng và kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí tham gia hội nghị. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ nội dung đề án, có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều dẫn chứng và kinh nghiệm thực tiễn. Trong phát biểu các đại biểu đã thể hiện rõ tính chiến đấu, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng. Các ý kiến không chỉ cung cấp cho Ban soạn thảo những nội dung, mà còn gợi mở nhiều vấn đề, truyền đạt nhiều kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng Đảng ở các cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Quân đội. Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Kết luận hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí tham gia hội nghị. Chất lượng các ý kiến tại hội nghị thể hiện rõ ý thức, thái độ và sự tâm huyết của từng đại biểu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu: Từng đồng chí trên các cương vị công tác của mình bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế tiếp tục nghiên cứu, có thêm nhiều ý kiến tham gia cùng Ban soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh nội dung đề án bảo đảm chất lượng tốt nhất; cung cấp nhiều cứ liệu khách quan, khoa học để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, tiến hành công tác xây dựng Đảng đạt chất lượng, hiệu quả cao. Trên cơ sở nội dung đề án, từng đồng chí nghiên cứu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong tiến hành công tác xây dựng Đảng ở đơn vị; trong đó tập trung vào 4 nội dung đã tiến hành thảo luận sâu sắc, toàn diện tại hội nghị hôm nay. “Nhận diện đúng, phân tích chặt chẽ, khoa học, xác định cụ thể nguyên nhân để chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng là nhiệm vụ chính trị then chốt; là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay”.
Nguồn: Báo QĐND