Góp ý dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ
Đ/c Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Vĩnh Tân, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban đảng Trung ương; lãnh đạo ban cán sự đảng các bộ; lãnh đạo đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan Trung ương; các thành viên Tổ biên tập và lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính chỉ rõ: Việc quy định kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là vấn đề mới, là nội dung rất khó, chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng; qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy một số cán bộ sử dụng quyền lực chưa đúng quy định; có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát. “Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”.

Trình bày đề dẫn, đồng chí Trần Văn Túy khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ cũng vô cùng hệ trọng. Qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp. 

Nhận thức về những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.  

Dự thảo Quy định kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ gồm 4 chuơng, 16 điều, trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy, cả hành vi của tập thể và cá nhân). Ngoài ra, dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền; quy định về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền.

 

Đ/c Trương Xuân Cừ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương góp ý vào dự thảo.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất và đánh giá cao tính công phu, nghiêm túc của dự thảo do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh tính cần thiết của quy định này. Nhiều ý kiến cũng nêu thêm đề xuất, kiến nghị để các quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chặt chẽ và khả thi hơn khi triển khai trong thực tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, xây dựng Quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có các công trình nghiên cứu sâu nhưng việc ban hành nội dung này có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay để xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. “Tinh thần chung là không cầu toàn, nóng vội, quy định đưa ra phải sát thực tế, dễ thực hiện, dễ đánh giá, giám sát, kiểm tra”.

Đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời đề nghị Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy định, sớm trình các cấp có thẩm quyền để ban hành trong năm 2018.

* Trước đó, ngày 9-10-2018, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đồng chí bí thư 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Theo chương trình, ngày 11-10-2018, tại Quảng Ninh, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đồng chí bí thư các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc (trừ các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và ngày 12-10-2018 tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đồng chí bí thư các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh vào dự thảo trên. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất