Chiều 30-8, tại Hà Nội, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018 diễn ra ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới dự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 30-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018, tập trung vào hai nội dung lớn là xây dựng, hoàn thiện thể chế và về tình hình kinh tế xã hội.
Trước khi vào phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tích mà Đoàn Thể thao Việt Nam đã đạt được tại ASIAD. Thủ tướng biểu dương tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ, huấn luyện viên Đội tuyển Olympic Việt Nam
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8-2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.
Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20-8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
Đánh giá bước đầu về tình hình kinh tế-xã hội cả năm 2018, dự kiến sẽ đạt và vượt 12 chỉ tiêu của năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.
Về tình hình kinh tế-xã hội 5 năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).
Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính chung 8 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15.028 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 6.973 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.858 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 197 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,74%, giảm 1,6% so với tháng trước).
Tại phiên họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về các vụ việc, vấn đề mà dư luận đang quan tâm như: Tinh gọn bộ máy của các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ; về dự kiến đưa giải đua công thức F1 về Việt Nam; xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hoạt động khuyến mại và các quy định về thương mại điện tử của Công ty cổ phần Con Cưng; về thanh tra vụ đất đai ở Thủ thiêm (TP. Hồ Chí Minh); việc đội vốn của dự án đường sắt đô thị; vấn đề khống chế tỉ lệ tăng tưởng tín dụng không vượt quá 17% trong năm nay; hiện một khối lượng lớn phế liệu nhập khẩu về Việt Nam đang tồn đọng; những sai phạm thi cử tại một số địa phương đến nay vẫn chưa có kết luận; về thu hồi sổ đỏ dinh thự của Vua Mèo ở Đồng Văn (Hà Giang)….
Thanh Xuân