Thứ Sáu, 22/1/2010 14:7'(GMT+7)
Hà Nội tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng
Sáng 21-1, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo cuả Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Đồng chí Bùi Duy Nhâm, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ dự và chủ trì Hội nghị.
5 năm qua, cấp uỷ và chính quyền các cấp trên địa bàn Hà Nội đã ban hành 12.672 văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 100% các xã, phường, quận, huyện đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến nay, toàn TP đã có 1.029 báo cáo viên pháp luật và 5.191 tuyên truyền viên pháp luật đang hoạt động ở các xã, phường, thị trấn. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, Trung tâm và các tổ trợ giúp pháp lý đã trợ giúp cho hơn 3.000 lượt người với trên 2.800 vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình. Trung tâm trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức 65 đợt trợ giúp lao động tại vùng nông thôn, vùng xa trung tâm và đồng bào dân tộc ít người. Qua đó đã có 2.367 lượt đối tượng là phụ nữ, người nghèo và gia đình chính sách đã được tư vấn. Các cấp uỷ đảng và chính quyền đã thường xuyên chỉ đạo xây dựng, củng cố kiện toàn các tổ hoà giải. Đến nay, toàn thành phố có 5.723 tổ với 34.519 thành viên, thực hiện hoà giải thành công 60.590 vụ việc (đạt 83,3%) góp phần tích cực trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, ổn định an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai sâu rộng Chỉ thị tới các sở, ngành, thực hiện “ngày pháp luật” - hằng tháng mỗi cơ quan, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội quy định rõ các công chức, nhân viên trong cơ quan, đơn vị phải học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật. TP cũng đã nhân rộng các mô hình tuyên truyền có hiệu quả thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể như câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”,”Tuổi trẻ với pháp luật”. Các tổ chức đoàn thể Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên cũng tích cực chỉ đạo các cấp hội của mình thành lập các câu lạc bộ khác như mô hình tổ phát thanh-tuyên truyền pháp luật cụm dân cư ở phường, mô hình “nhóm nòng cốt”, tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư, mô hình tổ hoà giải “5 tốt” ở cơ sở… Tuy nhiên, trên thực tế, trình độ, năng lực của đội ngũ báo cáo viên tại cơ sở còn hạn chế nên có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Tại một số địa phương, tủ sách pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả; chế độ chính sách đãi ngộ cho những người làm công tác hòa giải, báo cáo viên chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong mọi đối tượng. Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về đất đai, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; luật giao thông đường bộ, tuyên truyền bảo vệ môi trường...
Nhân dịp này, UBND TP đã khen thưởng 28 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thời gian qua.
Mỹ Anh