Chiều 14-11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đông đảo giảng viên, cán bộ và sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nhiều cựu sinh viên đã và đang giữ những cương vị chủ chốt
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trong cả nước và những người làm trong Ngành Giáo dục, đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm hoàn thiện chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần, để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để mỗi giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cống hiến hết sức cho sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu xã hội về đội ngũ cán bộ kinh tế và quản trị kinh doanh với chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn của đất nước. Nhiều cựu sinh viên đã và đang giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được đánh giá là một trong những đơn vị có đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các quan điểm, chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách kinh tế trong các giai đoạn phát triển đất nước; đồng thời phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học của nhiều nước và tổ chức quốc tế có uy tín nâng cao chất lượng đào tạo.
Để thực hiện tốt hơn nữa công cuộc đổi mới giáo dục đại học, Chủ tịch nước đề nghị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học chuyển mạnh từ lấy truyền đạt kiến thức sang giáo dục rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy và tự học, tự tìm tòi bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.
"Trong quá trình đào tạo, sinh viên đóng vai trò trung tâm, chủ động; giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng sinh viên cách thu nhận kiến thức và cách vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Thực hiện điều này không chỉ liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập mà đòi hỏi đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo giáo trình và học liệu, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học cần dành sự quan tâm đặc biệt đến điều này, coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu cần tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và khởi nghiệp
Chủ tịch nước cũng mong muốn, mỗi cơ sở giáo dục đại học phải thật sự trở thành lực lượng đi tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đại biểu cắt băng khánh thành thư viện điện tử dùng chung cho 45 trường đại học.
|
Bên cạnh quan tâm tăng số lượng các công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín để cải thiện thứ bậc trong xếp hạng đại học của các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm tới thực hiện các nghiên cứu khoa học, trong xây dựng chính sách nhằm góp phần thiết thực vào giải quyết các vấn đề triển kinh tế - thời sự cấp thiết và các vấn đề có tầm chiến lược dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, trong nước còn nhiều khó khăn.
Các nhà khoa học, các giảng viên tiếp tục nghiên cứu đóng góp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước những phương án cơ sở lý luận và thực tiễn để điều hành kinh tế đất nước thành công như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Cùng với đó, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi giáo viên cống hiến trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác.
"Đảng và Nhà nước đồng thời với việc đặt yêu cầu ngày càng cao với đội ngũ giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học, cũng hết sức quan tâm đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần, để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để mỗi giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Đánh giá Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thu được những kết quả tích cực ban đầu trong thí điểm tự chủ, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đổi mới cơ chế tự chủ của trường đại học công không chỉ là tự chủ về học phí, tự lo, tự bươn trải mà Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cần thiết, trong đó có đất đai. Song hành với thực hiện cơ chế tự chủ đại học cần chú trọng đổi mới quản trị đại học, tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.
Bày tỏ tự hào là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là nơi Chủ tịch nước theo học từ năm 1973 đến năm 1977, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như sinh viên các trường đại học của Việt Nam phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trách nhiệm với xã hội, tích cực học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và khởi nghiệp.
Nguồn: chinhphu.vn