Ngày 16-11, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức đồng thời Hội nghị ở 3 miền lấy ý kiến góp ý vào dự thảo 2 đề án: Đề án xây dựng “Quy định của Bộ Chính trị về Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị” và Đề án “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc và đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.
Hội nghị ở miền Bắc, thành phần gồm đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (không bao gồm Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) tổ chức tại Hội trường tầng G, Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị khu vực miền Bắc.
Hội nghị ở miền Trung, thành phần gồm đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và 7 tỉnh khu vực miền Bắc (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) tổ chức tại Hội trường Nhà khách T26 Đà Nẵng. Đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.Hội nghị ở miền Nam, thành phần gồm đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy 22 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam tổ chức tại Hội trường Nhà khách T78 TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì.
Đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì
Hội nghị khu vực miền Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Đối với Đề án xây dựng “Quy định của Bộ Chính trị về Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị”, bố cục của dự thảo có 9 điều, như vậy đã phù hợp chưa? Có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không? Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc và nội dung lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy và biên chế như trong dự thảo cần bổ sung, thay đổi nội dung nào? Cho ý kiến về trách nhiệm, quyền hạn (Điều 7 của dự thảo).
Đại biểu góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị tại Hội nghị ở miền Bắc sáng 16-11.
Đối với Đề án “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc và đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”, các đồng chí Lãnh đạo Ban đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị; quan điểm, mục tiêu đề án; bố cục của dự thảo Chỉ thị, dự thảo Tờ trình; nội dung của Chỉ thị, nhất là phần đánh giá tình hình, nguyên nhân và các giải pháp. Đặc biệt là giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên nói chung và đối với từng đối tượng, lĩnh vực; giải pháp quản lý đảng viên, nhất là đối với những trường hợp đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên vì việc riêng thường xuyên xa nơi cư trú, xin miễn sinh hoạt đảng liên tục nhiều năm… cần bổ sung hoặc thay đổi nội dung nào?
Toàn cảnh Hội nghị khu vực miền Bắc chiều ngày 16-11 góp ý dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc và đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.
Góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị, đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy nhấn mạnh việc ban hành Quy định là cần thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tập trung xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều đại biểu đề nghị: dự thảo cần xác định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; quy định cụ thể về phân cấp về quản lý, sử dụng biên chế; khuyến khích quản lý, sử dụng biên chế hiệu quả và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chưa thực hiện tinh giản biên chế. Trong đó, cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế ở cả 4 cấp. Về nhiệm vụ, quyền hạn, một số đại biểu đề nghị quy định cần bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ, nhưng cũng tránh trùng lặp giữa các cơ quan, tổ chức. Riêng đối với thẩm quyền cấp tỉnh, nên thống nhất quản lý và sử dụng biên chế về một đầu mối; Trung ương giao trọn gói tất cả các khối cho địa phương phân bổ cho cả giai đoạn 5 năm, không giao hằng năm để giảm thủ tục hành chính. Nhiều ý kiến đồng tình với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, do Ban Tổ chức Trung ương làm Thường trực, để tham mưu Bộ Chính trị lãnh đạo xây dựng và tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; hướng dẫn kiểm tra đôn đốc việc thực hiện.
Góp ý vào dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc và đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, các đại biểu cho rằng, việc siết chặt công tác kết nạp đảng viên nhằm khắc phục tình chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc đưa rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng sẽ thiết thực góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; tăng cường quản lý đảng viên ở nhiều loại hình chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn và doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đại biểu tham gia ý kiến.
Kết luận Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các đồng chí trong Tổ Biên tập, lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu và tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị để tham mưu, giúp Lãnh đạo Ban chuẩn bị tốt dự thảo Đề án, Tờ trình, Quy định, Chỉ thị để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét theo quy định.
Thu Huyền - Thành Sáng