Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng
đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển
1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề
liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến
hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng
trên các vùng biển được xác định theo Công ước.
Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia
thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đã diễn ra từ ngày
13 đến 17-6, tại Niu Ooc, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia
thành viên Công ước, các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh dẫn
đầu.
Bên cạnh việc đánh giá hoạt động
của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy
ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, hội nghị
năm nay tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban ranh giới
thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh
giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 07 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển
và kiểm điểm việc triển khai Công ước.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng
đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển
1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề
liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến
hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng
trên các vùng biển được xác định theo Công ước.
Đề cập việc gần đây Trung Quốc đã
liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại
giao Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ,
nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài
phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền
và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của
Công ước.
Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam
cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường
yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là
theo Công ước Luật Biển.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại
quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công
ước Luật Biển cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm
xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhiều nước
ASEAN đã phát biểu nhấn mạnh cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của
Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của
việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ
DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
Nguồn: TTXVN