Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của HĐND cấp tỉnh khu vực phía Bắc


Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị tập trung đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quá trình hoạt động của HĐND năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đây là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức hoạt động của HĐND các cấp. Từ thực tiễn hoạt động của HĐND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu sẽ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, góp phần vào việc nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử tại địa phương.

Trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng HĐND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ngay sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã hoàn thiện các biên bản, nghị quyết, báo cáo và hồ sơ kỳ họp thứ nhất HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Nhiều Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND địa phương.

Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao. "Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có công sức, trí tuệ của HĐND các cấp, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống", Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.

Hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Ngoài kỳ họp thứ nhất tổ chức chủ yếu nhằm kiện toàn các chức danh trong bộ máy chính quyền địa phương, trong năm 2021, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp thường lệ và nhiều tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề; quyết định các nội dung quan trọng gắn với tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiện toàn nhân sự.

Ngoài ra, hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã có chuyển động tích cực với quyết tâm mới, khí thế mới và nhiều cách làm mới. Dù là tỉnh lớn hay tỉnh nhỏ, là thành phố trực thuộc Trung ương hay các tỉnh trung du, miền núi đều có chung khí thế này.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận tại Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội lưu ý về một số tồn tại hạn chế trong chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số phương hướng nhiệm vụ giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Thứ hai, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố.

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND như kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử, từ xa, chuyển đổi số, giám sát bằng hình ảnh…

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031; phối hợp với Ban công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỷ năng cho đại biểu HĐND các cấp và công chức, viên chức Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề; nghiên cứu ban hành Quy chế khung cho HĐND.

Thứ tám, tăng cường giao lưu học học, trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các tỉnh, thành phố với nhau với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối với hoạt động của HĐND các cấp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất