Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp cuối năm nhằm phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016, cùng bàn thảo, đề ra những giải pháp lớn, những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2017.

Trong năm 2016 - một năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một năm trong nước thiên tai, nhân tai diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng,... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về KTXH… Năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP đạt gần 6,3%; thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9% so cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút hơn 10 triệu khách du lịch... Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội; thể thao thành tích cao; công tác xây dựng pháp luật; tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chỉ đạo quyết liệt xử lý những vấn đề bức xúc... cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại để thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục như: Ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm ngập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung; các dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các sai phạm trong công tác cán bộ; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc...

Thủ tướng khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân, doanh nghiệp... Thủ tướng đề nghị các đại biểu  tập trung thảo luận, đánh giá đúng kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp trọng tâm, đi thẳng vào những khó khăn vướng mắc, giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng, tháo gỡ những rào cản... để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2017 - năm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy phát triển KT-XH hội nhanh và bền vững.


Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016… Trong tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày đã nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và DN. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Dự thảo nêu 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu… Trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết:  Năm nay Nghị quyết 19 được ban hành ngay từ đầu năm, lần đầu tiên được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ ngành cùng địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Theo Phó Thủ tướng, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành vì vậy cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành thì trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết nêu 7 nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản để có thay đổi có tính bước ngoặt trong nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng  đảm bảo an toàn, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.

Thứ ba, xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản, triệt để; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữ chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Thứ tư, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước một cách minh bạch, thực chất, thận trọng theo cơ chế thị trường; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không thể phục hồi.              

Thứ năm, đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại và giao quyền tự chủ đẩy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ sáu, phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Thứ bảy, tập trung tích tụ ruộng đất, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu.

Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương báo cáo, thảo luận và nêu đề xuất, kiến nghị… Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trước các vấn đề, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành tiến hành giải trình, giải đáp, làm rõ “ngọn nguồn vấn đề”, nêu rõ quan điểm, ý kiến, phương hướng xử lý… ngay tại hội nghị.

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với nội dung nêu trong các báo cáo của Chính phủ, đồng thời trình bày một số kết quả KT-XH của Thủ đô đã đạt được trong năm 2016. Sang năm 2017, Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện hiệu quả năm kỷ cương hành chính 2017; củng cố quốc phòng, an ninh địa phương; làm tốt công tác an sinh xã hội,... Trước mắt, Hà Nội tập trung chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán sắp tới… Thủ tướng lưu ý Hà Nội cần có giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội cần tập trung công tác phòng chống cháy nổ; cải cách hành chính...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong báo cáo một số kết quả Thành phố đã đạt được trong năm 2016; kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; các giải pháp đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, thực hiện cơ chế một cửa, cải cách hành chính; tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ phấn đấu trong trong năm 2017 sẽ thành lập mới 50.000 doanh nghiệp, đến năm 2020 Thành phố sẽ có 500.000 doanh nghiệp… Thành phố kiến nghị Chính phủ một số nội dung: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN, xây dựng các hàng rào kỹ thuật,... để hỗ trợ tích cực cho các ngành hàng non trẻ trong nước trước thách thức hội nhập; hoàn thiện Nghị định về phân cấp ủy quyền cho thành phố, bảo đảm thành phố có cơ chế thực sự hiệu quả để phát triển; ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; chính sách phát triển vùng…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông phát biểu kiến nghị một số nội dung về quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn; quy hoạch khu du lịch Tam Trúc; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung vốn cho một số dự án giao thông quan trọng; dự án xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu phát biểu một số nét lớn về KTXH của địa phương trong năm 2016 và các giải pháp phát triển KTXH năm 2017 như: Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; chăm lo cho nhân dân đón Tết, nhất là người có công; đẩy mạnh bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án lớn; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đẩy mạnh kinh tế biển; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thu hút đầu tư; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với địa phương...

* Theo chương trình, sáng 29-12, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tiếp tục diễn ra với phần thảo luận của các địa phương và Thủ tướng Chính phủ phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất