Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức
    
                                                            Toàn cảnh hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Dự hội nghị có 500 đại biểu ở hội trường tại Hà Nội là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, các cán bộ là chuyên viên chính trở lên của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và trên 1.000 đại biểu đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo và chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tại các điểm cầu trong cả nước.

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị một số nội dung quy định về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, vẫn còn những nội dung chưa thống nhất trong cách hiểu, cách làm, cách phối hợp, dẫn đến còn địa phương, đơn vị lúng túng. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng để trao đổi, giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị một cách nhất quán, tổng thể và liên thông.

Hội nghị đã nhận được gần 300 kiến nghị, đề xuất của 50 tỉnh, thành phố; 14 ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và trực tiếp nghe 17 ý kiến phát biểu trực tiếp của đại biểu các điểm cầu, tập trung trao đổi, thảo luận về những bất cập liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chia sẻ một số cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, những mô hình hay và bài học kinh nghiệm của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để nghiên cứu, nhân rộng trong hệ thống chính trị…

     

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính (ảnh trên) đề nghị các bộ phận chức năng của các cơ quan, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh các văn bản của hội nghị; đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị liên quan để bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền tham mưu của hai cơ quan, nhằm giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị có căn cứ, cơ sở để thực hiện thuận lợi, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Trong thời gian tới, toàn thể đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Theo dõi, tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch 04-KH/TW, ngày 16-11-2016 của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 14 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, thường xuyên theo nguyên tắc kết hợp giữa “xây” và “chống” và “mọi lúc, mọi nơi, mọi người” đều tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ và xây dựng có chất lượng Đề án mà Trung ương đã giao cho các cơ quan, bộ, ngành, nhất là Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Ba là, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ mới ban hành về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. 

Bốn là
, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “4 hóa” trong cải cách hành chính: “hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa về tổ chức thực hiện”. Bổ sung, chỉnh sửa các quy định của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông. Đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp làm việc; đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đề cao kỷ cương, kỷ luật; minh bạch hóa các thủ tục trong công tác cán bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác.

Năm là
, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thành thẩm định và triển khai áp dụng đề án vị trí việc làm; quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nêu cao trách nhiệm cá nhân. Xây dựng hình ảnh người làm công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức thật sự trong sáng, gương mẫu, tinh thông.

Sáu là, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực phục vụ công tác tổ chức, cán bộ, công tác quản lý công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. 



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất