Thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12-2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2017; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,2% so với bình quân cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 6-2018 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,37% so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,35 so với bình quân cùng kỳ.
Thanh khoản thị trường tài chính, tiền tệ được bảo đảm; mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tăng trưởng ở mức vừa phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tỷ giá và thị trường tiền tệ nhìn chun ổn định.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.
Phát biểu mở đầu hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế - xã hội hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 1/2 chặng đường năm 2018, nhất là nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác…Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu rõ khó khăn, trở ngại và lãnh đạo các bộ nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết.
Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu chùn bước, không nỗ lực, cố gắng thì sẽ không đạt được như mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.
Thủ tướng cho biết, năng lực sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng với trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn. Điều đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, chỉ số lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và với công cuộc phòng chống tham nhũng đều tăng cao.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và địa phương phải có các giải pháp đối với các vấn đề xã hội, cũng như bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Về các khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề là thiên tai, an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành.
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng chỉ rõ sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua. Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả của Tổ công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018; báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kiểm tra công vụ...
Lắng nghe ý kiến các địa phương, báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; đồng thời, tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ; các Nghị quyết ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15-5-2018…kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác xây dựng chính sách pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc Chính phủ, Thủ tướng giao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, uy tín thấp, năng lực, trình độ hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, xây dựng nền công vụ hiện đại, minh bạch, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, coi công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tăng cường nắm bắt tình hình thực tế, dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chủ động phương án xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ tạo thành "điểm nóng" gây phức tạp về an ninh, trật tự, bảo đảm ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Chăm lo đời sống và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người dân vùng lũ lụt, thiên tai, nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, định hướng thông tin dư luận đúng đắn.
Đã nửa nhiệm kỳ trôi qua, từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị và từng cá nhân cần đánh giá sát, đúng, nhìn lại những gì đã làm được, chưa làm được, có giải pháp sáng tạo, đột phá để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2018 và trong cả nhiệm kỳ.
Thanh Xuân