Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội thảo.Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ. Song, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ và chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã nhận định
“đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến”. Thực tiễn cho thấy, có những trường hợp cán bộ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá cán bộ, dẫn đến những quyết định sai trong công tác cán bộ, nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”, mà một trong những hệ quả là nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật, gây ra những tổn thất về cán bộ, làm giảm uy tín của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, cần
“phải có con mắt tinh đời trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự”, “đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Đánh giá cán bộ cần phải được thường xuyên nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn công tác cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, tiếp thu những phương pháp khoa học trong và ngoài nước, mới có thể đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, giúp cho Đảng ta lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực để gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nhằm tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ trong và ngoài nước; đồng thời cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ. Hội thảo là dịp để Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thảo luận, tiếp thu những ý kiến quý báu, tìm hiểu những bất cập trong thực tiễn và đề xuất những giải pháp thiết thực cho công tác đánh giá cán bộ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận bốn nội dung chủ yếu:
Một là, việc đánh giá cán bộ hiện chưa phản ánh đúng thực chất là do nguyên nhân khách quan, thiếu các bộ công cụ đánh giá cụ thể, chưa được lượng hóa đầy đủ, không sát với thực tế, chưa gắn với kết quả đầu ra và sản phẩm cụ thể hay do nguyên nhân chủ quan, việc thực hiện chưa nghiêm túc hoặc do nguyên nhân nào khác?
Hai là, làm thế nào để khắc phục được mâu thuẫn là bộ công cụ đánh giá phải đơn giản, dễ hiểu, dễ làm chứ không phức tạp và mất thời gian như hiện nay nhưng kết quả đánh giá phải khách quan, chính xác, phán ánh đúng thực chất cán bộ?
Ba là, làm thế nào để khắc phục được tình trạng công tác cán bộ được triển khai rất đúng quy trình nhưng lại không chọn được đúng người, để xảy ra sai phạm như một số trường hợp bị kỷ luật thời gian vừa qua?
Bốn là, trong tình hình mới, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng, công tác đánh giá cán bộ cần tập trung, nhấn mạnh đến nội dung nào, tiêu chí nào để có thể chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra?
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh 24 tham luận được in trong Kỷ yếu Hội thảo và 12 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo đều là các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, phản ánh đúng thực chất tình hình hiện nay.
Đồng chí đề nghị Tổ Đề tài tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Đề tài, sớm có sản phẩm để trình Bộ Chính trị.