Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28-3-1912 – 28-3-2012), sáng 22-3-2012, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Đến dự Hội thảo có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương và tỉnh Hưng Yên, huyện văn Giang, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học và gia đình đồng chí Lê Văn Lương.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 trong một gia đình nho học, khoa bảng ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1927, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng…, đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin cho công nhân, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở cách mạng ở Nam Kỳ. Năm 1931, đồng chí bị địch bắt, trong thời gian gần 15 năm (1931-1945) đồng chí đã bị giam giữ, đày ải trong nhiều nhà tù thực dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí tham gia Xứ ủy Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, sau đó được Đảng và Nhà nước giao nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng như: Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII. Năm 1986, đồng chí được Bộ Chính trị phân công giúp Trung ương tổng kết công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ...
Với những cống hiến to lớn đối cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi đảng và nhiều huân chương cao quý khác. Trong Lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương ngày 5-5-1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá: “Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau…, ở đâu đồng chí cũng nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, đức cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Bao giờ đồng chí cũng đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết”. Là người có vinh dự được công tác gần Bác Hồ, đồng chí Lê Văn Lương và gia đình luôn được Bác dành cho những tình cảm đặc biệt, Người đã nhận xét: “đồng chí Lê Văn Lương là người kiên định, tận tụy, kín đáo, cẩn thận, trầm tĩnh nhưng đi vào nội tâm mọi người với tình cảm chân thành”.
Hơn 40 tham luận gửi đến và nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học và gia đình đã làm rõ nhân tố chủ quan, khách quan hình thành nhân cách, lý tưởng, tấm gương đạo đức trong sáng của đồng chí Lê Văn Lương: Với công việc tận tụy, trung thành, liêm chính, với quân thù hiên ngang bất khuất, với đồng chí khiêm nhường, chu đáo, thân tình, với bản thân mẫu mực tự phê bình, giản dị, khoan dung. Hội thảo làm rõ quá trình, những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương cả lý luận và thực tiễn về công tác tư tưởng, công tác tổ chức xây dựng đảng, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo đánh giá cao những cống hiến, tình cảm của đồng chí với các địa phương Hà Nội, Hưng Yên, với gia đình, dòng họ và quê hương. Qua hội thảo đã phát hiện, bổ sung nhiều tư liệu góp phần biên soạn tiểu sử đồng chí Lê Văn Lương.
Hội thảo được tổ chức rất có ý nghĩa trong lúc các cấp ủy đảng đang tích cực triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống. Thành công của Hội thảo góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương.
Nguyễn Bá Thắng