Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm tuyển chọn cán bộ của các nước và thực tiễn tại Việt Nam”

GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương; đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và TS. Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ đồng chủ trì hội thảo. Đến dự có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo ban tổ chức một số tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc cùng một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.

TS. Trần Thị Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ nhấn mạnh, tuyển chọn cán bộ là khâu quan trọng nhằm lựa chọn đúng cán bộ phù hợp với yêu cầu của công việc, đủ khả năng gánh vác trọng trách, phát huy tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, hội thảo lần này là dịp để Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái và các cơ quan thảo luận, tiếp thu các ý kiến quý báu, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất giải pháp thiết thực, khả thi, làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn cán bộ ở Trung ương và địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước về tuyển chọn cán bộ; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn cán bộ. Theo đồng chí Phan Thăng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương), có hai nhân tố quan trọng trong công tác tuyển chọn cán bộ, đó là cách chọn và người chọn. Về cách chọn, cần xây dựng được tiêu chí tuyển chọn, đồng thời chủ động đi tìm để phát hiện, theo dõi được quá trình học tập, tu dưỡng của những ứng viên tiềm năng; chú trọng thực hiện công tác quy hoạch cán bộ từ sớm, từ xa để tránh sự hẫng hụt trong công tác cán bộ. Người tuyển chọn cũng rất quan trọng, “chỉ có người tài mới biết tìm người tài và biết sử dụng người tài”, đồng chí Phan Thăng An nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng, tuyển chọn đúng cán bộ để bố trí, sử dụng đúng cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài; có chính sách thu hút và sử dụng hợp lý nhân tài cả trong và ngoài nước; xác định các tiêu chí trong hệ giá trị của người cán bộ cần có để làm căn cứ tuyển chọn cán bộ cho đúng; xác định thẩm quyền, trách nhiệm các chủ thể tuyển chọn cán bộ một cách tổng thể… Với nhà báo Bắc Văn, nguyên Trưởng Ban Xây dựng Đảng (Báo Nhân Dân), có nhiều cách để tuyển chọn cán bộ, chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý như thông qua thi tuyển, xem xét, đánh giá qua hồ sơ lý lịch, tổ chức lấy phiếu bầu… Yêu cầu đặt ra là dù tuyển chọn dưới hình thức nào cũng phải giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; việc phát hiện, thu hút và lựa chọn người có đức, có tài qua thi tuyển phải gắn với tiêu chuẩn từng chức danh lãnh đạo, quản lý; cán bộ được tuyển chọn không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần có phẩm chất đạo đức tốt, có sở trường, năng lực và tố chất lãnh đạo, quản lý.

Giới thiệu kinh nghiệm tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ cấp cao ở Xin-ga-po, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (ảnh trên) cho biết, mô hình tuyển chọn nhân tài, chọn cán bộ lãnh đạo của Xin-ga-po được cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu lựa chọn từ kinh nghiệm của Tập đoàn Shell sau khi tham khảo cách chọn nhân sự của các tập đoàn đa quốc gia, rồi điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của Xin-ga-po. Theo đó, Đảng Nhân dân Hành động Xin-ga-po cầm quyền có một chương trình lựa chọn rất kỹ lưỡng cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của chính quyền, trong đó có hệ thống “truy vết” những người trẻ tuổi có triển vọng từ các khu vực tư nhân để lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực tham gia chính trường, kết hợp tuyển dụng các ứng viên tiềm năng từ đội ngũ công chức và học giả. Trong quá trình đó, để vừa ngăn chặn những kẻ cơ hội chui vào bộ máy, vừa thu hút được những người tài giỏi, sáng giá nhất gia nhập đội ngũ lãnh đạo đất nước, Xin-ga-po thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào…

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội thảo. Các nội dung tham luận rất phong phú, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyển chọn cán bộ, làm rõ từ những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến tham khảo kinh nghiệm của các nước và thực tiễn của một số tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, chỉ ra được những công việc cần làm trong thời gian tới.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, quốc gia nào cũng quan tâm đến công tác tuyển chọn cán bộ, vì chọn cán bộ sai thì hậu quả khôn lường. Công tác tuyển chọn cán bộ ở nước ta bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập, còn nhiều vấn đề cần đổi mới mạnh mẽ hơn, nhất là đổi mới về tư duy, thể chế, quy trình công tác cán bộ. Tình hình đã thay đổi cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới; cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa thể chế công tác cán bộ; khoa học hóa quy trình tuyển chọn cán bộ, trong đó việc tổ chức thi tuyển không tách rời quy trình 5 bước, đặc biệt không tách rời nguyên lý Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ. Chú trọng xây dựng và phát huy vai trò các chủ thể làm công tác tuyển chọn và đội ngũ tham mưu, bảo đảm công tâm, khách quan, sâu sát, tinh tường, sáng suốt. “Phải luôn luôn lắng nghe, cầu thị, tiếp thu để lý luận về công tác cán bộ được tươi mới”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất