Chiều 17-11, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức Hội thảo khoa học “Một số đề xuất khuyến nghị về mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở những thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị”. Đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) và đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học về công tác xây dựng Đảng.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) (ảnh trên) nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra mục tiêu chiến lược đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng… Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và tổ chức bộ máy Nhà nước cũng cần phải có sự thay đổi để phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và nông thôn theo đúng tinh thần của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Trong những năm gần đây tại các thành phố trực thuộc Trung ương, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tổ chức mô hình chính quyền địa phương cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị.
"Trước yêu cầu đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng từ ngày 1-7-2021. Tuy nhiên, mô hình chính quyền đô thị là mô hình mới, để thực hiện có hiệu quả đòi hỏi phải được tổng kết, đánh giá thường xuyên để giải quyết những đề xuất, khuyến nghị của các địa phương triển khai thí điểm, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học", đồng chí Lê Việt Trung nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Việt Trung khẳng định, Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đồng chí lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu sắc về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng trao đổi, thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở những thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lý luận, như: Quan điểm, nguyên tắc, định hướng xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam; Cơ sở lý thuyết, chính trị - pháp lý về xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy Nhà nước mô hình chính quyền đô thị; Cơ sở lý thuyết, chính trị - pháp lý về kiểm soát quyền lực Nhà nước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị…. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã cho thảo luận về thực trạng và một số đề xuất, kiến nghị trong việc xây dựng chính quyền đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương (ảnh trên) cho biết, trong thời gian làm việc buổi chiều Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến đa chiều về các lĩnh vực và Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến này.
Đồng chí Vũ Văn Phúc đánh giá, thông qua 31 tham luận, 9 ý kiến phát biểu từ các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm những cơ sở về mặt lý luận và thực tiễn nhằm hệ thống hóa những vấn đề về mô hình tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện thí điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Từ những ý kiến quý báu này, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ có những tiếp thu để hoàn thiện báo cáo trình Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương. "Hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành 3 Nghị quyết riêng về chính quyền đô thị dành cho 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên để cho đồng nhất, mong rằng trong thời gian tới Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết chung về chính quyền đô thị và tiến tới sẽ có Luật về chính quyền đô thị", đồng chí Vũ Văn Phúc trăn trở.
Ngô Khiêm