Ngày 17-7, tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức Hội thảo khoa học "Hoạt động và những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp phát biểu tại Hội Thảo
Dự Hội thảo có PGS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và gần 50 đại biểu là các nhà khoa học; đại diện Viện Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Bạc Liêu, thân nhân đồng chí Phạm Hữu Lầu, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Đồng chí Phạm Hữu Lầu là người con ưu tú của quê hương Đồng Tháp. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí vô cùng phong phú. Trong suốt 30 năm hoạt động cách mạng liên tục từ năm 1929 đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16-12-1959, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Phạm Hữu Lầu là một trong 7 Ủy viên BCH Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng ở các tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và Sở Công an Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1959)...
Hội thảo lần này đã nhận được 20 tham luận của các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học, trong đó có 8 tham luận trình bày tại Hội thảo. Các tham luận đã kế thừa những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến cuộc đời hoạt động và đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu, đồng thời, tiếp cận những tư liệu mới và nhận thức mới. Mỗi tham luận là một kết quả nghiên cứu khoa học độc lập, có chất lượng, phản ánh theo từng vấn đề cụ thể, phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau về quá trình tham gia cách mạng, những trọng trách và vai trò lãnh đạo mà đồng chí Phạm Hữu Lầu đảm nhiệm, những đóng góp, cống hiến của đồng chí cũng như nhân cách trong sáng, phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí. Đặc biệt, kết thúc bài tham luận “Quá trình tham gia cách mạng, từ người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản của đồng chí Phạm Hữu Lầu”, đồng chí Lê Thị Kim Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định: Trong 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hữu Lầu có những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã hội đủ 5 yếu tố để có thể được xem xét công nhận là một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và của Cách mạng.
Đồng chí Lê Thị Kim Loan kiến nghị Trung ương Đảng xem xét, đưa đồng chí Phạm Hữu Lầu vào danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu viết tiểu sử đồng chí Phạm Hữu Lầu để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đề nghị Tỉnh ủy Đồng Tháp cho chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Phạm Hữu Lầu tại Phường 4, TP. Cao Lãnh và chỉ đạo đưa nội dung tiểu sử, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hữu Lầu vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương trong hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định, từ thực tiễn cuộc đời hoạt động và đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu mà Hội thảo hôm nay đã làm sáng rõ và đầy đủ thêm, có thể thấy đồng chí Phạm Hữu Lầu có những nét nổi bật. Đồng chí Phạm Hữu Lầu thuộc lớp đảng viên đầu tiên, người đóng góp lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là người Nam kỳ duy nhất tham gia BCH Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau ngày thành lập. Đồng chí đã có công lớn trong việc chỉ đạo thành lập các Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu vực Nam Kỳ; chỉ đạo Phong trào đấu tranh cách mạng sôi động ở Nam Kỳ. Khi đồng chí đảm trách cương vị Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ cũng là lúc phong trào cách mạng miền Nam gặp khó khăn vô cùng to lớn do bị kẻ thù chĩa mũi nhọn vào tổ chức đảng và phong trào kháng chiến ở Nam Bộ thông qua chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” khốc liệt; tổ chức đảng, tổ chức quần chúng bị tổn thất nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, là người đứng mũi chịu sào, đồng chí đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trước Đảng, trước phong trào cách mạng và nhân dân Nam Bộ, cùng tập thể Xứ uỷ phát huy cao nhất tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo bảo vệ tổ chức đảng, lãnh đạo duy trì và từng bước chuyển hướng đấu tranh, giúp phong trào kháng chiến ở Nam Bộ trụ vững trong cam go, sóng gió. Đồng chí là một chiến sĩ cộng kiên trung cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ phẩm giá, khí tiết người cộng sản nơi chốn lao tù đế quốc, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã nêu một tấm gương mẫu mực về phong cách sâu sát thực tiễn, đức tính khiêm tốn và tình thương yêu đồng bào, đồng chí. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản cống hiến trọn đời cho cách mạng, luôn rèn luyện, học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có phong cách sâu sát thực tiễn, gắn bó, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng bào...
Đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị, trên cơ sở Hội thảo cùng với những kết quả nghiên cứu đã, đang và sẽ tiến hành của đề án sưu tầm, nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của đồng chí Phạm Hữu Lầu do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, Đảng, Nhà nước có những hình thức tôn vinh xứng đáng đối với đồng chí Phạm Hữu Lầu.
Hội thảo khoa học “Hoạt động và đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam” đã làm rõ hơn về hoạt động và những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam. Sự kiện này còn nâng tầm ý nghĩa việc chuẩn bị phát hành sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh và là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng.
Hồ Nhẫn