Sáng 10-12, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hoá từ chức của cán bộ trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và đồng chí Phan Thăng An, Uỷ viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về từ chức, văn hóa từ chức ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; đề xuất một số phương hướng, giải pháp xây dựng văn hóa từ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Thăng An, Uỷ viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) nhấn mạnh, theo quy định của Đảng, từ chức được hiểu là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thể hiện thái độ trung thực, trách nhiệm với bản thân cũng như với cộng đồng, là biểu hiện của sự dũng cảm và lòng tự trọng của người cán bộ.
Ngay từ thời phong kiến, Việt Nam đã có nhiều bậc hiền tài, thanh liêm, cương trực xin từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nhấn mạnh “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì việc công, lý do sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức”…Tiếp sau đó, vấn đề từ chức của cán bộ được đề cập trong nhiều văn bản của Đảng mà mới đây nhất là Quy định 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (thay thế Quy định 260).
“Có thể thấy, văn hóa từ chức đã dần được hình thành trong hành vi từ chức của cán bộ lãnh đạo quản lý ở Việt Nam trong thời gian qua và là cơ sở quan trọng mang tính bước đầu cho việc phát triển văn hóa từ chức trong những năm tới. Tuy nhiên, những hành vi từ chức mang tính chất tự nguyện ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Để từ chức trở thành văn hóa, cần xây dựng cơ chế phù hợp trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước về văn hóa từ chức; tham khảo ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, các cán bộ thực hiện công tác cán bộ để làm sáng rõ vấn đề này”, đồng chí Phan Thăng An nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hội thảo đã nhận được 20 tham luận cùng 9 ý kiến phát biểu tâm huyết, toàn diện của các chuyên gia, nhà khoa học và những cán bộ trực tiếp tham mưu công tác cán bộ về các vấn đề như xác định nội hàm của văn hóa từ chức; cơ sở chính trị, pháp lý của việc xây dựng văn hóa từ chức; tầm quan trọng của văn hóa từ chức trong xây dựng, phát triển nền công vụ; đánh giá thực tế văn hóa từ chức tại Việt Nam; tham chiếu với các nước có nền công vụ tiên tiến về vấn đề từ chức; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa từ chức…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo ngày hôm nay thảo luận về một chủ đề mới mẻ, tinh tế, phức tạp nhưng hết sức quan trọng. Văn hóa từ chức là một nét của văn hóa chính trị, góp phần làm đẹp lên hình ảnh người cán bộ, hình ảnh của Đảng, tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương.
GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh đến yếu tố chủ động, tự nguyện, tự giác trong từ chức. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản liên quan đến văn hóa từ chức nhưng vấn đề này đang trong quá trình manh nha, chưa phổ biến, còn nhiều vấn đề bất cập bởi nhiều nguyên do như mặt trái của nền kinh tế thị trường; các thang bậc giá trị xã hội đang chuyển đổi kết hợp với tàn dư của quá khứ về các vấn đề như trọng danh, trọng chức...; những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng, thực hiện các quy trình của công tác cán bộ; vấn đề cơ chế chính sách, giáo dục tuyên truyền; việc tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ…
“Muốn giải quyết được vấn đề này thì phải tiến hành đồng thời các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm sự kết hợp giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra giám sát. Phải kết hợp đồng bộ các giải pháp chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý…”, GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
GS, TS. Phùng Hữu Phú khẳng định, đây là vấn đề cần sự kiên trì, không được nóng vội, xây dựng từng bước nhưng phải có mục tiêu, lộ trình rõ ràng trong việc định hình và thực hiện văn hóa từ chức để văn hóa từ chức trở thành nếp nghĩ, nếp sống, một việc làm bình thường của đội ngũ cán bộ Việt Nam.
Đỗ Anh