Việc gia hạn vắc-xin không ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin

Dự kiến thời gian mở lại đường bay thương mại quốc tế

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trả lời báo chí về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế, khách quan trong đại dịch này. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8-11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác và phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng, chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó”, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều kiện mở chuyến bay thì được xem xét, cân nhắc dựa trên các yếu tố như khả năng phòng, chống dịch; tỉ lệ tiêm vắc-xin cho người dân để miễn dịch cộng đồng; quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối. Hộ chiếu vắc-xin là công cụ để chúng ta mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, mở đường bay với quốc gia nào chúng ta phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Gần đây có thêm biến chủng mới của vi-rút Corona khiến tất cả các nước thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ vấn đề mở lại đường bay. Theo kế hoạch đã trình, Bộ GTVT dự kiến từ tháng 12 hoặc từ đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay thương mai quốc tế nhưng do có sự xuất hiện của biến chủng mới nên sẽ cần có sự rà soát, tính toán, điều chỉnh phù hợp và báo cáo để Thủ tướng quyết định.

Việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo quy định quốc tế

Trả lời câu hỏi về việc gia hạn vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc gia hạn sử dụng vắc-xin được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Từ thời điểm FDA và EMA phê duyệt nói trên, các lô vắc-xin Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc-xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc-xin lên 9 tháng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo ổn định, chất lượng và sẽ nộp hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng của vắc-xin có thể lên tới 12, 18 hoặc 24 tháng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, các cơ quan quản lý vắc-xin quốc gia đã cập nhật các điều kiện phê duyệt sau khi xem xét các bằng chứng và dữ liệu khoa học mới do Nhà sản xuất cung cấp vắc-xin, gồm có: Mở rộng nhóm tuổi tiêm từ 12 tuổi trở lên và tăng hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng. Vào tháng 8-2021, WHO đã phê duyệt các điều kiện cập nhật này, bao gồm việc tăng hạn sử dụng lên 9 tháng áp dụng với tất cả vắc-xin Pfizer đã được sản xuất kể cả trước thời điểm tháng 8-2021.

Trong quá trình vận chuyển vắc-xin từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vắc-xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất. Tất cả các lô vắc-xin trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo quy định quốc tế, Việt Nam không tự gia hạn. Mọi vắc-xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu bởi WHO và đảm bảo hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân.

Kế hoạch tiêm vắc-xin mũi thứ 3

Giải đáp nhóm câu hỏi liên quan đến liệu có làn sóng dịch thứ 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định dịch bệnh diễn biến phức tạp, số mắc tăng và số ca tử vong có chiều hướng tăng ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền như tiểu đường, ung thư, tim mạch… Từ thực tế đó, Bộ Y tế đã đề ra một số giải pháp như quan tâm, theo dõi người có bệnh, nhiều tuổi, có nguy cơ cao; các bệnh viện thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân từ đầu; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao.

Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã có quyết định phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến địa phương, tìm giải pháp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong bệnh viện, kích hoạt trung tâm hỗ trợ chuyên môn từ xa; phân tầng điều trị đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh tình trạng quá tải hoặc làm tăng nguy cơ tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin tính đến ngày 1-12, Bộ Y tế đã tổ chức tiêm cho hơn 125 triệu liều cho người trên 18 tuổi và trẻ em 12-17. Trong đó, với nhóm người trên 18 tuổi có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều và gần 68% được tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Để tăng cường phòng dịch COVID-19 cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đã có công văn triển khai tiêm vắc-xin liều cơ bản và nhắc lại. Cụ thể, liều nhắc lại sẽ được tiêm cho người trên 18 tuổi đã tiêm liều cơ bản và bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, người cần được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế, nhân viên y tế… Loại vắc-xin dùng cho tiêm liều nhắc lại cùng loại với liều cơ bản hoặc loại vắc-xin công nghệ mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin công nghệ mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung bằng vắc-xin Sinopharm thì mũi nhắc lại tiêm cùng loại hoặc vắc-xin công nghệ mRNA. Thời gian tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, dự kiến hết năm nay, Việt Nam có hợp đồng với tổng số 200 triệu liều vắc-xin. Bộ Y tế đã và đang đàm phán với các công ty, đối tác, sắp tới sẽ tiếp tục phân phối vắc-xin cho Việt Nam, đặc biệt là Pfizer và AstraZeneca.

Cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm trong vụ án

Đại diện Bộ Công an đã cung cấp thông tin kết quả điều tra ban đầu về 2 vụ án được dư luận xã hội quan tâm gồm: quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. và việc khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng công an nhân dân thực hiện theo phương châm “Quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên, liên tục”, với quan điểm là thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không oan sai, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, rõ đến đâu thì xử lý đến đấy.
Đối với những vụ án tham nhũng mà dư luận bức xúc, đặc biệt là những người đứng đầu thuộc diện chức vụ cao hoặc có ảnh hưởng trong cộng đồng mà vi phạm pháp luật thì ngoài việc chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên trong quá trình tố tụng, trước khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đều họp và xem xét rất cẩn trọng các vụ việc.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an có yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm trong vụ án rất rõ, xem có vi phạm không. Nếu quyết định đó của người đứng đầu vì dân, vì cái chung, không có tiêu cực thì sẽ được xem xét một cách thấu đáo, nếu phát hiện có tiêu cực phải xử lý nghiêm minh và cân nhắc sử dụng các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt, bảo đảm tính nhân văn. Phương châm là xử lý vụ án để cảnh tỉnh cả một vùng hoặc lĩnh vực, lợi ích của người được hưởng là nhân dân.

Về vụ của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, cơ quan tố tụng đang tiếp tục làm việc. Còn vụ việc của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex. Đây là vụ đấu thầu đất đai, sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất 49.000m2, thì công ty này tiến hành các biện pháp vây thầu, tức là cho tất cả các công ty con, cá nhân đi đấu thầu, dùng các biện pháp câu móc với các các cơ quan liên quan, giá đất lúc đó được xác định là 500 tỷ đồng nhưng hạ xuống còn 300 tỷ để vào thắng thầu. Trong khi 3 công ty vây thầu đều là của bà Loan có nhiệm vụ làm giảm các công ty cùng tham gia và loại ra, Qua 4 vòng đều cùng 1 giá và đều xin bỏ thầu. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

5 nhóm giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT thực hiện, chủ trì. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay.

Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/ hợp tác xã/ hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm. Thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.

Trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.

Chia sẻ sơ lược về quy mô của Chương trình chính sách tài khóa tiền tệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất