Thực hiện Kế hoạch số 31-KH/VKHTCCB ngày 18-5-2022, chiều 20-7 Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước”. GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các ban đảng Trung ương và đồng chí Phạm Trọng Cường, Vụ trưởng, Thư ký Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan kiểm tra Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo Nhân Dân; đại diện lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy Hải Phòng, Hà Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình và các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trong những năm qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung và đối với Nhà nước nói riêng đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng ngày càng xác định rõ hơn nội dung, phạm vi lãnh đạo, mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy với cơ quan nhà nước, nhất là ở cấp Trung ương. Các chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa trong các công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; được Chính phủ và các bộ, ngành thể chế hóa tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mọi người dân; Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tài chính công, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng chí Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Mặc dù vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị mà trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước còn có những nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN… Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý nhằm làm rõ thực trạng, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn và những yêu cầu về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện mới.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo của các chuyên gia tiếp cận từ góc độ lý luận cũng như từ góc độ thực tiễn, tập trung vào một số vấn đề như: Tại sao phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước; phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng có mối quan hệ như thế nào; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước khác gì phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trì nói chung; cơ chế Đảng lãnh đạo và cầm quyền như thế nào; nguy cơ đối với đảng cầm quyền; khía cạnh lý luận của đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền; vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước có hiệu quả; những vấn đề đặt ra trong thực tiễn để góp phần thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước; vai trò của công tác tác tổ chức, cán bộ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có hiệu quả…
GS, TS. Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận tại Hội thảo.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, bám sát nội dung Hội thảo và các ý kiến trao đổi tâm huyết từ các nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn. GS, TS. Phùng Hữu Phú khẳng định: Các văn kiện của Đảng đã xác định phương thức lãnh đạo của Đảng là cơ bản. Tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi nên cần tiếp tục hoàn thiện, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong phương thức lãnh đạo của Đảng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tính then chốt của lãnh đạo Nhà nước, thông qua Nhà nước. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện những nội dung cụ thể lãnh đạo lập pháp, hành pháp, tư pháp. Lãnh đạo thể chế hóa thành pháp luật đường lối, quan điểm của Đảng. Với các địa phương cần một hệ thống quy chế, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của từng cơ quan, đơn vị để hoạt động có hiệu quả. Các ý kiến đóng góp, trao đổi đều đi đến mục đích để xây dựng được phương thức lãnh đạo khoa học, hiện đại và hiệu quả để thật sự là linh hồn của chính phủ số, xã hội số.
Diệp Chi