Sáng 21-3, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương đã tổ chức Hội thảo thông tin chuyên đề “Nghiên cứu tế bào gốc - khía cạnh xã hội của vấn đề”. Chủ trì Hội thảo là GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe PGS.TS Lê Văn Đông, Thư ký Ban Điều phối chương trình nghiên cứu tế bào gốc, Bộ Khoa học - Công nghệ, Phó Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch (Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng) báo cáo thông tin chuyên đề “Nghiên cứu tế bào gốc- khía cạnh xã hội của vấn đề”.
Tế bào gốc (TBG) là những tế bào chưa có chức năng chuyên biệt, chúng có khả năng tăng sinh mạnh mẽ, có tiềm năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau và có khả năng tự thay mới. Nhờ những đặc điểm này mà TBG đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu ứng dụng để chữa một số bệnh của cơ quan tạo máu, một số bệnh di truyền bẩm sinh liên quan đến chuyển hoá và suy giảm miễn dịch, ung thư máu, và có nhiều hứa hẹn dùng để chữa được nhiều bệnh nan y như tiểu đường, liệt do chấn tương tuỷ sống, suy tim do tổn thương cơ tim, một số bệnh ung thư và bệnh lý gen, bỏng, da liễu, thẩm mĩ, nhi khoa…
Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn.
Tương tự như trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu về TBG ở Việt Nam cũng được khởi đầu từ những nghiên cứu thuộc lĩnh vực huyết học với các TBG tạo máu. Ngay cả trước khi bùng nổ sự tập trung chú ý của giới chuyên môn cũng như cộng đồng vào TBG sau các sự kiện ra đời của cừu Dolly (1996) và phân lập được TBG phôi người (1998), các nhà huyết học Việt Nam đã có những bước tiên phong trên lĩnh vực TBG qua triển khai nghiên cứu ghép tuỷ xương (mà bản chất là ghép các TBG tạo máu) để điều trị các bệnh lý huyết học. Trong vòng 10 năm từ 1995- 2005, tại các cơ sở mạnh về huyết học ở nước ta như Trung tâm Truyền máu - huyết học TP. Hồ Chí Minh (nay là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh), Viện Truyền máu - Huyết học Trung ương, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế, Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều đã triển khai các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Có thể nói, về phương diện nghiên cứu ứng dụng TBG tạo máu trong lĩnh vực huyết học, các nhà huyết học Việt Nam đã triển khai được tất cả các kỹ thuật cơ bản từ ghép TBG tạo máu lấy từ tuỷ xương đến ghép TBG tạo máu được huy động từ tuỷ xương ra máu ngoại vi và ghép TBG tạo máu lấy từ máu dây rốn trẻ sơ sinh.
Về vốn đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ đã giao một loạt đề tài cấp nhà nước cho các đơn vị để triển khai. Bên cạnh đó Quỹ Khoa học công nghệ do Bộ quản lý cũng tài trợ cho các nghiên cứu về TBG; các cơ sở nghiên cứu, các bộ ngành, thành phố cũng đầu tư kinh phí xây dựng phòng thí nghiệm và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu TBG, điển hình nhất là dự án xây dựng Phòng thí nghiệm TBG của Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng Ngân hàng TBG của Công ty cổ phần hoá dược phẩm Mekophar; dự án thành lập công ty cổ phần về y học tái tạo (FBM) của Tập đoàn FPT. Điều này cho thấy mối quan tâm đầu tư vào lĩnh vực TBG không chỉ dừng lại ở kinh phí nhà nước mà đã bắt đầu có từ khối doanh nghiệp và tư nhân.
Cho đến nay có trên 10 đề tài cấp nhà nước được đề xuất và triển khai nghiên cứu TBG. Đại đa số các đề tài đều đang trong giai đoạn thực hiện. Ngoài các kết quả ứng dụng TBG tạo máu trong lĩnh vực huyết học, một số ứng dụng trong lĩnh vực tạo xương cho kết quả tương đối rõ ràng, còn lại các nghiên cứu ứng dụng khác vẫn rất khiêm tốn, cần thêm thời gian, kinh phí và công sức nghiên cứu để có được những bằng chứng thuyết phục hơn - cả trên khía cạnh nghiên cứu áp dụng những điều thế giới đã làm được vào Việt Nam cũng như các nghiên cứu tiên phong trên lính vực này. Điều này cần có sự nhập cuộc và cố gắng của cả đội ngũ nhà khoa học, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư cũng như sự tham gia từ phía người tình nguyện.
Kỹ thuật ghép TBG được coi là một loại pháp điều trị hiện đại và mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân bị các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, do những khó khăn về nguồn người hiến TBG, về kinh phí thực hiện ca ghép nên những bệnh nhân nghèo ở các nước đang phát triển khó có điều kiện để hưởng lợi từ liệu pháp điều trị hiện đại này. Việc nghiên cứu TBG ở nước ta còn gặp khó nhăn như: Đây là vấn đề mới, xu hướng thế giới còn phân tán đến mức đối lập, vì vậy chọn hướng đi với TBG vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn; cơ chế quản lý còn bất cập, làm hạn chế nghiên cứu và đặc biệt là hạn chế ứng dụng điều trị trên người; về nhà đầu tư kể cả Nhà nước và tư nhân, cũng có xu hướng muốn làm phần ngọn; về nhà nghiên cứu có xu hướng ngần ngại khi nghiên cứu... Để giải quyết những khó khăn, thực trạng trên, PGS.TS Lê Văn Đông nêu một số giải pháp sau:
- Về cơ chế: cần làm rõ hơn hành lang pháp lý và các vấn đề đặc thù để cho phép ứng dụng điều trị trên người.
- Về đầu tư: cần đầu tư cả nghiên cứu cơ bản, cả cho ứng dụng, khuyến khích chuyển giao công nghệ.
- Với nhà nghiên cứu đã có nhiệt huyết, cần quyết tâm và cả sự kiên nhẫn, phải chọn cho đúng và trúng chủ đề, mạnh dạn và dám chịu trách nhiệm...
Qua hội thảo này, giới khoa học trong nước có được những định hướng phát triển phù hợp, những thông tin mới, sự hợp tác mới để thúc đẩy kỹ thuật ghép TBG trong điều trị bệnh.
Lan Phương