Họp báo Chính phủ phiên thường kỳ tháng 1-2015
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 1-2015
Mở đầu buổi họp báo đầu năm 2015 nhưng cũng là cuộc họp cuối cùng của năm âm lịch Giáp Ngọ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tóm tắt một số nét lớn về kết quả phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày.

Ngày 30-1-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và các nội dung quan trọng khác.

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan.  

Kinh tế vĩ mô tích cực hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng khá, ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thu NSNN ước đạt 9,8% dự toán năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 505 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 120 triệu USD, tăng 10%...

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29/1/2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I-2015. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn như: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; ngành dầu khí và thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận, phân tích, đánh giá về diễn biến, tác động của giá dầu thô thế giới đến nền kinh tế. Các ý kiến nhận định giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Theo Bộ Tài chính,  tác động của dầu thô tới nền kinh tế nước ta là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó, mặt thuận lợi là nhiều hơn.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc CPI tháng 1-2015 tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục phát triển như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01-2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đều đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 nổi lên vấn đề là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội. Tuy nhiên “theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và cho biết với dự báo giá dầu xuống 40 USD/ thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
     
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước. “Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2015. Lưu ý phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện... “Năm 2015 phải là năm có tiến bộ vượt bậc về vấn đề này” - Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá.

Về giá cả, thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu, phát hiện và xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Về giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.

Thủ tướng yêu cầu kiên định thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Thận trọng, chặt chẽ trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực để ngăn ngừa buôn lậu xăng dầu, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất dự trữ xăng dầu khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung chỉ đạo và tăng thêm nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tính toán, cân đối, báo cáo và bố trí thêm 15.000 tỷ đồng cho Chương trình hết sức quan trọng này. “Mục tiêu cuối năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là khả thi”. Thủ tướng khẳng định và đề nghị phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về các lĩnh vực xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường... Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo đón Tết, không được để nhân dân thiếu đói trong dịp tết; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế đất nước. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. “Trong dịp Tết năm nay, nhất quyết phải giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán việc tăng cường và chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh chóng, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng; phát huy mặt tốt đồng thời kiên trì các biện pháp ngăn chặn tối đa thông tin xấu, độc hại trên mạng in-tơ-nét.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất