Tiếp tục thực hiện nghiên cứu Đề tài “Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương”, sáng ngày 28-1-2015, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học cũng như những vấn đề thực tiễn của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương hiện nay. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo. Đại diện lãnh đạo vụ (ban) tổ chức cán bộ các cơ quan đảng ở Trung ương, Tổ Biên tập Đề tài và đại diện các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương tham dự.
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2014, Ban Tổ chức Trung ương được Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương giao chủ trì, nghiên cứu Đề tài khoa học “Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của các cơ quan đảng ở Trung ương”. Từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về vấn đề này. Vì vậy, có thể nói, đây là một đề tài mới và bao trùm rộng khắp ở tất cả các cơ quan đảng ở Trung ương. Ngay từ khi triển khai Đề tài đã nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý khoa học của Trung ương.
12 ý kiến thảo luận đã tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, để đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu các cơ quan đảng ở Trung ương cần phải quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng như thế nào? Mục tiêu đạt được là gì? Quan điểm và mục tiêu đó phải dựa trên những nguyên tắc nào?
Thứ hai, trên cơ sở thực trạng đội ngũ cán bộ tham mưu của các cơ quan đảng ở Trung ương hiện nay, giải pháp để đổi mới công tác xây dựng đội ngũ chiến lược này là gì? Có cần phải đổi mới về nhận thức, đổi mới về tư duy của các cấp ủy đảng, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng đội ngũ này không?
Thứ ba, có phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ này không, đặc biệt là trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)?
Thứ tư, để xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu các cơ quan đảng có cần phải quan tâm xây dựng, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu trong từng cơ quan trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh không? Phương pháp, cách thức quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị như thế nào để đạt hiệu quả tích cực?
Thứ năm, đối với nhóm giải pháp về các khâu của công tác cán bộ: Có cần phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ tham mưu không ? Nếu cần thì xây dựng như thế nào? Việc đánh giá cán bộ đã đảm bảo dân chủ, khách quan chưa ? Nguồn để xây dựng đội ngũ này lấy từ đâu? Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ này tiến hành như thế nào? Công tác bố trí, sử dụng cán bộ (đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ) nên thực hiện như thế nào cho hiệu quả? Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện chính sách cán bộ như thế nào cho hợp lý?
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quynh nhấn mạnh: các ý kiến đã trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn trên tinh thần nghiên cứu khoa học, các ý kiến đều nhất trí cần đổi mới công tác xây dựng cán bộ tham mưu của các cơ quan đảng ở Trung ương. Cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh. Vấn đề đặt ra là tạo động lực cho đội ngũ này như thế nào, chính sách về tinh thần, vật chất phải có sự hợp lý nhất định, không cào bằng. Yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp đồng bộ và quyết tâm thực hiện.
Tin: Thu Huyền
Ảnh: Thu Thủy