Chiều 3-6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cùng phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021 trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, về tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vi-rút chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ nhận định tình hình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, dập dịch. Tiếp tục nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vắc-xin” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc-xin (bao gồm mua vắc-xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, tổ chức tiêm). Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm 3 KHÔNG là: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm.
Tiếp tục bám sát tình hình; kịp thời có giải pháp thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Chủ động có các biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo đảm các hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và có các chính sách cụ thể hỗ trợ người dân, công nhân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, đơn vị làm tốt và kỷ luật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Dịch COVID-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…
Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp trong những tháng cuối năm, Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và giao Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, nhận định bối cảnh tháng 6 năm 2021 và các tháng cuối năm; xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đây là một việc rất khó, nhiệm vụ đặt ra trong 10 năm tới phải làm được 3.800km. Nhiệm vụ này là một phần quan trọng trong 3 đột phá chiến lược để đất nước đi lên. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã giao nên dù khó nhưng cả hệ thông chính trị và nhân dân phải vào cuộc để thực hiện thành công.
Chính phủ thống nhất sự cần thiết của Đề án nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị xin chủ trương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữ vùng động lực và vùng khó khăn, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm như: Cơ chế cho doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân tham gia mua vắc-xin như thế nào? Bộ Y tế kiểm soát chất lượng và tiến độ tiêm vắc-xin của Việt Nam so với thế giới? Đến khi nào vắc-xin do Việt Nam mới được đưa vào sử dụng? Hiện tại người dân đang rất quan tâm và kỳ vọng vào Quỹ vắc-xin. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chúng ta cần khoảng 25.000 tỷ đồng để miễn dịch cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, Quỹ đã có bao nhiêu tiền và kỳ vọng như thế nào về Quỹ này trong thời gian tới? Quan điểm của Chính phủ như thế nào để việc cổ phần hoá để doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn? Về phương án sửa đổi biểu đồ giá điện…
PG