Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tại buổi họp báo
Như thông lệ, buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Đây là Phiên họp hết sức quan trọng để nhìn lại những kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; cũng như giải quyết một số vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Về kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất nhận định, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%.
Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa làm đứt gãy các dòng đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêm chủng vaccine chưa đồng đều giữa các quốc gia. Ở trong nước, sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tại các địa bàn có dịch bùng phát; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao... Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ thực hiện giãn cách, phong tỏa khi thật sự cần thiết và trong phạm vi phù hợp. Xây dựng và triển khai chiến lược vắc-xin theo hướng mua vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể: tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, bảo đảm an toàn, hiệu quả, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật kịch bản tăng trưởng. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; theo dõi sát diễn biển giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ bình ổn giá cả, nhất là chính sách thuế xuất, nhập khẩu. Chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới; khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hải hòa, bền vững. Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường phòng chống cháy rừng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm học 2020-2021 nghiêm túc, an toàn trong điều kiện dịch bệnh; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho năm học mới 2021-2022. Quan tâm lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hôm nay Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tổng số tiền hỗ trợ khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Tổ chức các hoạt động thiết thực tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi, tri ân các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng nhân ngày 27-7.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với các hình thức linh hoạt và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; chủ động theo dõi sát chính sách đối nội và đối ngoại của các nước lớn để có phản ứng kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Chuẩn bị tốt các đề án, tờ trình, báo cáo trình Trung ương, Bộ Chính trị và Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực thi phương án cắt giảm các quy định; kiên quyết không ban hành các quy định không cần thiết, không hợp lý, cũng như không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm được Chính phủ thảo luận tại phiên họp, ngay ngày mai, 2-7-2021, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai đến các địa phương để các cấp, các ngành thống nhất, đồng lòng, cùng quyết tâm triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm như: Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, phương án thực hiện để đạt mục tiêu này như thế nào? Với nhóm đối tượng lao động tự do, có đặc thù thường di chuyển, làm việc ở xa sẽ được thực hiện như thế nào trong gói hỗ trợ COVID-19 mà Chính phủ vừa ký ban hành? Sắp tới Chính phủ có hỗ trợ gì thêm để TP. Hồ Chí Minh sớm dập dịch và tránh việc quá tải do quá nhiều các ca diện F1, F2 không? Hiện tại, Chính phủ một số nước có cơ chế chia sẻ rủi ro như tài trợ các đơn vị nghiên cứu vắc-xin tiềm năng, Chính phủ Việt Nam có cơ chế như thế cho các loại vắc-xin đang được nghiên cứu? Cuối năm nay chúng ta nhập khẩu 150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, liệu Chính phủ có hỗ trợ đầu ra cho các loại vắc-xin nội hay không?
PG