Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết phiên họp của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tại buổi họp báo

Phiên họp vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo. Tham dự phiên họp có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên cũng là phiên họp lịch sử, với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Trong buổi sáng, Hội nghị tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hội nghị đã được nghe báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, đóng góp ý kiến đến các nội dung quan trọng về: Nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

Các ý kiến phát biểu khẳng định: Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức thành công tốt đẹp, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đặc biệt, Chính phủ sau khi được kiện toàn đã nhanh chóng bắt nhịp, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; thể hiện một tập thể đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, nói đi đôi với làm. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50 ngày 20-5-2021 về Chương trình hành động của Chính phủ với các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể. Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 11 của Hội nghị Trung ương lần thứ 3 và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua thành các nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế.

Các đại biểu nhận định, đây là những căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng chương trình hành động và tổ chức triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 là một phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phiên họp diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tổng Bí thư khẳng định trải qua hơn 75 năm, với 15 nhiệm kỳ hoạt động, dưới nhiều tên gọi khác nhau, Chính phủ đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, điều hành phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại... theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt là 5 năm gần đây, nắm bắt được thuận lợi, thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp xảy ra, Chính phủ đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp thu phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chúng ta thấy rõ hơn trọng trách của Chính phủ trước Đảng, trước Nhà nước và trước nhân dân, thực hiện tốt vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội; thấy rõ hơn các yêu cầu, nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội vừa mới ban hành.

Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị là những định hướng, chỉ đạo có tính khái quát, tổng thể, toàn diện, xuyên suốt, sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm cho Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và cả giai đoạn tiếp theo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chia sẻ sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ nghiêm túc tiếp thu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả để kết quả năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; đồng thời, tiếp tục lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền cảm hứng, nhân lên sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên dưới một lòng, nỗ lực phấn đấu đưa đất nước sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Buồi chiều, Chính phủ thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm. Các đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, nước ta đang phải ứng phó, đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhất là ở đợt bùng phát lần thứ 4 này với biến chủng mới, lây lan nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Sau khi phân tích thực trạng, bối cảnh, tình hình, các đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng chống dịch; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát giá cả thị trường; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến xác đáng của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Căn cứ vào đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của mình, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tinh thần là phải làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt và phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đồng thời thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo theo quy định.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, quyết liệt, nỗ lực cao, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp; những hành động của chúng ta trong giai đoạn này mang tính quyết định đối với công tác phòng, chống và kiểm soát dịch. Vì vậy, cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tập trung khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, xác định các F0 để có hướng xử lý phù hợp theo mô hình tháp nhiều tầng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vắc-xin; bằng mọi biện pháp để mua vắc-xin nhiều nhất, sớm nhất có thể.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. 

Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động triển khai nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó phải có chiến lược, giải pháp hiệu quả để duy trì, phục hồi, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách với người có công. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế, định hướng, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần tạo đồng thuận xã hội; xử lý kịp thời các thông tin xấu độc.

Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm như: Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất Thường trực Chính phủ để gỡ rối cho doanh nghiệp. Đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt gói hỗ trợ này chưa và dự kiến sẽ miễn giảm những loại thuế gì? Hiện nay hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán HOSE đã thông suốt, ổn định, bao giờ thì có thể thực hiện giao dịch lô 10 để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư? Về tỉ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh? Trong thời gian tới để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, Bộ Y tế có giải pháp như thế nào? Về việc tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa, lãi suất vốn vay cho người dân và doanh nghiệp? Chính phủ và các bộ liên quan có giải pháp nào để gỡ rối cho doanh nghiệp có phương án sản xuất mới thay cho phương án “3 tại chỗ” tại các tỉnh phía Nam…

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất