Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong hai ngày 31-7 và 1-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 thảo luận về công tác xây dựng thể chế và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018.

Thủ tướng đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhận định tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát tốt; CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, chỉ đạo triển khai phát triển toàn diện. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao, dự báo triển vọng tốt của kinh tế Việt Nam… Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ Olympic quốc tế các môn Toán (1 vàng, 2 bạc, 3 đồng), Vật lý (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng), Sinh học (3 vàng, 1 bạc) đều đạt kết quả xuất sắc.

Các vụ tiêu cực, gian lận thi cử đã và đang được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ và Thủ tướng yêu cầu xử lý quyết liệt vấn đề này.

Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Một điều đáng mừng nữa là theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đề xuất các giải pháp, đối sách cụ thể. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, song sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt là căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra…

Thủ tướng yêu cầu tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ trong xử lý, ứng phó với vấn đề này. 

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực, quốc tế; những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam, trong đó có sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm vững chắc. Phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là kiểm soát kinh tế vĩ mô, lạm phát để tăng trưởng bền vững. Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018; không điều chỉnh giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục, y tế. Nắm sát diễn biến mới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, giá dầu thế giới. Kiên định mục tiêu bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh những vi phạm, gian lận trong kỳ thi THPT quốc vừa qua là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề: Xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội; giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; đưa ra các giải pháp để bảo đảm thi thực chất, bảo đảm yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Nhà nước và nhân dân về những vụ việc sai phạm trong kỳ thi thi THPT quốc gia năm nay.

Về công tác phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, phòng chống. Xử lý nghiêm việc phá rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Luôn giữ thế chủ động trong phòng chống thiên tai, lũ lụt; tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất; kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt phải bảo đảm an ninh, an toàn hồ đập; các hồ đập thủy điện và thủy lợi phải có người chịu trách nhiệm vận hành, điều tiết để bảo đảm an toàn cho người dân. 

Trong phiên họp, Chính phủ đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận về một số dự thảo Luật.

Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Tài chính, Nội vụ, Công An, Ngân hàng Nhà nước đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về những vụ việc mà dư luận đang quan tâm: Sai phạm, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018;  sự chậm chễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; vấn đề quản lý tiền điện tử tại Việt Nam; việc xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau đó làm giả xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng thuế suất ưu đãi; Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) xả khói và vụn vải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân thuộc hai phường Vĩnh Tuy và Mai Động…

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất