Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8-2020.
Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8-2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; đánh giá bước đầu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và một số nội dung khác.
Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.
Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8-2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12-2019 – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26-8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.
Thu ngân sách nhà nước đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7-2020, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng (ngoài dự toán ngân sách nhà nước năm 2020) để hỗ trợ chính sách, trong đó miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 71,9 nghìn tỷ đồng; chi khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, tổ chức 7 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước…
Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song chúng ta đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng, giảm 0,02%.
Sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.
Các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm; thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hiệp quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc Top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.
Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhưng cũng không cách ly, giãn cách rộng một cách không cần thiết, khiến người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập trong thời gian tới; chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho các khu vực kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề: Xung quanh việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; biện pháp nào để quản lý tình trạng mua bán quân trang, cảnh phục, thẻ ngành của ngành công an tràn lan trên mạng xã hội; cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay; về việc xem xét không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn; hướng giải quyết cho việc doanh nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Quyết định 11, 13 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng điện mặt trời đã đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án điện mặt trời áp mái nhưng khi dự án hoàn thành không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực; vụ án nâng khống giá trị liên kết ở Bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân; việc san lấp Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)…
PG