Chiều 1-10, tại Hà Nội, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018 diễn ra ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ dưới dự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục – Đào tạo, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên – Môi Trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đông đảo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018.
Bộ trưởng, Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin nội dung của phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày:
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến hai sự kiện lớn trong tháng 9. Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm là Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) được lãnh đạo WEF, các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế đánh giá cao cả về nội dung, công tác tổ chức, số lượng đại biểu tham dự và những kết quả cụ thể.
Trong phiên họp, Chính phủ đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng, cả năm và nhiệm kỳ.
Kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện trên các mặt. GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2018 tăng 0,59% so với tháng trước, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% và dự kiến sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.
Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong 9 tháng tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, đây là mức kỷ lục. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 34% GDP. FDI thực hiện ước đạt 13,25 tỷ USD. Tổng cầu tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8%. Khách quốc tế đạt cao, trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%, phấn đấu đạt trên 15 triệu lượt.
Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số tạm dừng hoạt động cũng tăng cao. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.
Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Thu ngân sách 2018 dự kiến tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với 2017. Con số rất ấn tượng là bội chi năm 2018 dự kiến đạt 3,67%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 3,7%.
Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng này thì GDP cả năm sẽ vượt mức 6,7%. Nếu tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,8-6,9% thì cả năm chắc chắn vượt mức 6,7%. Tính chung cả nhiệm kỳ, Chính phủ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, Trung ương. Đến nay, đã có 9 chỉ tiêu đạt mục tiêu 5 năm và Chính phủ quyết tâm thực hiện toàn diện các Bên mục tiêu kinh tế-xã hội cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém để có biện pháp xử lý, điều hành tốt nhất, thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2018, tạo đà cho năm 2019. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế; tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nợ công; cải cách thể chế; thúc đẩy tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp.
Thứ Trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về giải pháp nhằm tránh tình trạng "độc quyền" sách giáo khoa.
Tại phiên họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về các vụ việc, vấn đề mà dư luận đang quan tâm như: Việc thu tiền “bảo kê” ở chợ Long Biên (TP Hà Nội); thực hiện Nghị định 158 của Chính phủ về quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức ở TP Hà Nội; về giải quyết đơn thư tố cáo ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Hà Nội); Kết luận của Thanh tra Chính phủ về chuyển nhượng một số dự án đất ở TP Hà Nội; Kết luận xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hoạt động khuyến mại và các quy định về thương mại điện tử của Công ty cổ phần Con Cưng; về các giải pháp kiểm soát quyền lực của Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước; về thực hiện các giải pháp để tránh tình trạng độc quyền trong in sách giáo khoa; việc đặt thêm trạm thu phí BOT về phía đường tránh Cai Lậy; về quản lý cho vay online; việc hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ lụy; về các giải pháp của Việt Nam khi châu Âu đang gia hạn 6 tháng “thẻ vàng” đối với thuỷ sản.
Thanh Xuân