Sáng 23-11, tại Trung tâm báo chí - Nhà Quốc hội, ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh chủ trì cuộc họp báo.
Tham dự họp báo còn có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 11 Nghị quyết. Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác.
Riêng đối với dự án Luật Về hội và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, qua các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cho thấy, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật nêu trên tại Kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2017).
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016 và phân tích, dự báo các khả năng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức có thể xảy ra, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Về công tác giám sát, Quốc hội đã dành thời gian xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Ngoài ra, báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy CNH, HĐH, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” và nhiều các báo cáo giám sát của Hội đồng dân tộc và các ủy ban cũng được gửi đến đại biểu Quốc hội xem xét.
Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cũng cho biết tại Kỳ họp thứ hai, đã có 2.406 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Trong thời gian 2,5 ngày, chất vấn và trả lời chất vấn đã có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, hơn 30 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận. Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục - Đào tạo và nội vụ trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia báo cáo giải trình thêm chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng; việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước. Các thành viên Chính phủ cơ bản nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách; trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nghiêm túc nhận trách nhiệm và thể hiện quyết tâm tạo sự chuyển biến tình hình trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong thời gian kỳ họp, nhiều hoạt động của Quốc hội cũng được tổ chức như ra mắt nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, các nhóm nghị sĩ hữu nghị và các hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp để lại ấn tượng trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.
Trao đổi với các phóng viên về việc dừng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để phát triển điện hạt nhân; mặt khác, hiệu quả kinh tế của Dự án không còn bảo đảm, giá thành sản xuất bằng điện hạt nhân cao hơn giá thành sản xuất từ năng lượng khác... nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét việc dừng thực hiện Dự án này. Qua biểu quyết, Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ với gần 95% đại biểu Quốc hội tán thành. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của việc dừng thực hiện Dự án này.
Liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước việc Tân Tổng thống Mỹ mới đắc cử Đô-nan Trăm tuyên bố Hoa Kỳ không tham gia TPP, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Việt Nam có nhiều kỳ vọng đối với TPP trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trường hợp Hoa Kỳ không tham gia TPP thì các nước còn lại vẫn còn đàm phán, thảo luận để đưa ra kết luận cuối cùng. Cùng với đó, tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2016 tại Pê-ru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực triển khai hội nhập quốc tế để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP.
Nguồn: quochoi.vn