Lấy ý kiến góp ý Đề án xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Đông chí Nguyễn Thanh Bình, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh

Các đồng chí Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị: Đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng (UVTƯĐ), Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị tại Hà Nội; đồng chí Mai Văn Chính, UVTƯĐ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị tại Đà Nẵng và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTƯĐ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh.

Dự hội nghị tại miền Bắc có đại diện thường trực tỉnh, thành ủy, lãnh đạo ban tổ chức 28 tỉnh, thành ủy khu vực phía Bắc, đại diện các Ban cán sự Đảng khối cơ quan trực thuộc Trung ương và Chính phủ. Tại TP. Đà Nẵng đại diện lãnh đạo thường trực tỉnh, thành ủy và lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Vụ Địa phương V (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Vụ Địa phương II, BTCTW và Tổ biên tập Đề án. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cùng các phó bí thư, trưởng ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung.


 
 Các đại biểu dự Hội nghị tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý vào cấu trúc và các nội dung của Đề án gồm: Đánh giá thực trạng xây dựng tiêu chí chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quan điểm, nguyên tắc, đề xuất khung tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và một số các ý kiến bổ sung về tổ chức thực hiện việc lựa chọn cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, xuất sắc về năng lực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham mưu, điều hành chiến lược, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện mới. Về vấn đề này, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến góp ý mở rộng tầm quan trọng của nhóm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, coi đó là hạt nhân trong quy trình quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ của Đảng, là nguồn kế cận sáng giá cho các vị trí đứng đầu các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Để có được đội ngũ cán bộ như vậy, các đại biểu cho rằng, việc đánh giá cán bộ trên thực tế không chỉ căn cứ vào kết quả đánh giá của Ban chấp hành, Ban thường vụ các tỉnh, thành phố, việc tham khảo ý kiến từ hội nghị cán bộ chủ chốt, việc lấy ý kiến từ các tổ chức chính trị xã hội và từ quần chúng nhân dân là hết sức quan trọng. Việc lượng hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh (theo thang điểm) đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là cần thiết, nhưng các số liệu đó phải được so sánh và rà soát với kết quả phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ trong các năm của cán bộ.

Các đại biểu nhấn mạnh tới 2 tiêu chí chính: phẩm chất chính trị và kết quả thực hiện chức trách” của nhóm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá phẩm chất chính trị phải cán bộ tham mưu, lãnh đạo quản lý chiến lược còn phải được dựa trên cơ sở kết quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và kết quả phấn đấu, rèn luyện giữ vững phẩm chất chính trị, đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Việc hoàn thành nhiệm vụ chức trách phải được lượng hóa trên các nhiệm vụ cụ thể, kết quả cụ thể, đặc biệt là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trên từng nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu đã tập trung góp ý vào nội dung sửa đổi quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử, rút ngắn thời gian thực hiện các khâu, các bước trong quy trình từ cấp cơ sở lên cấp Trung ương; về các quy định trong thẩm định, rà soát quy hoạch cán bộ. Về vấn đề này, nhiều ý kiến khẳng định việc cần thiết phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm về đánh giá cán bộ thuộc quyền. Công tác đánh giá cán bộ phải làm đồng bộ từ trên xuống, từ dưới lên, phải tham khảo ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và cấp ủy nơi cư trú trước khi quyết định quy hoạch. Việc xét quy hoạch cán bộ nên có thêm thời gian chuẩn bị cho các đối tượng do giới thiệu ứng cử và trên cử về và trên thực tế, cần có thêm một hội nghị ban thường vụ trong khoảng thời gian sau hội nghị cán bộ chủ chốt và bổ sung nhân sự cho hội nghị ban chấp hành về quy hoạch cán bộ. Làm được như vậy cũng là để phát huy dân chủ, khắc phục tình trạng ban thường vụ họp thế nào, hội nghị cán bộ chủ chốt bàn theo thế, việc bổ sung nhân sự đề cử sẽ tạo cạnh tranh cần thiết và tìm ra cán bộ thực sự xuất sắc cho vị trí dự kiến.

Phát biểu tại Hội nghị ở TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của việc góp ý vào Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" và việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ. Tại Đại hội XII của Đảng, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ được đánh giá là còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến kết quả đánh giá cán bộ không phản ánh thực chất; việc bố trí cán bộ sau đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tế. Khi xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý", Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn gửi các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương tiến hành sơ kết công tác cán bộ để làm cơ sở. Tổ Biên tập đề án đã trực tiếp khảo sát tại 16 địa phương, đơn vị. Tại hội nghị này, Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp về hoàn thiện Đề án để Ban Tổ chức Trung ương trình, đề xuất Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn hiện nay và Quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý (thay thế Quyết định 286-QĐ/TW), kèm khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ và khung tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

 
 Toàn cảnh Hội nghị tại TP. Đà Nẵng.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ: Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ, Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị về Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 26-7-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện 2 quyết định trên, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tương đối thuận lợi, nhìn chung không có nhiều vướng mắc, bước đầu đáp ứng được yêu cầu thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý cán bộ chưa cụ thể, chưa phát huy tính chủ động và sự chịu trách nhiệm của các địa phương về công tác cán bộ. Quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa có cơ chế mở rộng dân chủ, vẫn còn ý kiến khác nhau và dư luận không tốt về công tác cán bộ. Trách nhiệm trong việc thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ của các cơ quan chưa cao, thời gian thẩm định dài...Trong công tác quy hoạch cán bộ, việc thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012), công các quy hoạch cán bộ đã đi vào nền nếp, nguồn cán bộ tương đối dồi dào, tỷ lệ1,5-2 lần; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số cơ bản đạt yêu cầu; chất lượng cán bộ quy hoạch được nâng lên... Tuy nhiên, cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung về quy trình xây dựng quy hoạch, thẩm định quy hoạch cán bộ... cho phù hợp và bảo đảm khách quan hơn với địa phương, đơn vị.  Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với UBKT Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại các quy chế, quy định để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ trong công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức nghiên cứu các quy chế, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; sơ bộ đánh giá tình hình thực hiện các quy chế, quy định của các địa phương, đơn vị trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo hướng đổi mới quy trình nhân sự bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, tiếp tục mở rộng dân chủ trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong từng khâu của công tác cán bộ, góp phàn đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới.

Đồng chí Hà Ban phát biểu kết thục Hội nghị tại Hà Nội đã nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ vừa qua, lần đầu tiên Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến lược cấp trung ương. Công tác quy hoạch cán bộ đã góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong thời gian tới, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ phải được tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó Đề án đánh giá cán bộ là một trong những đề án hết sức quan trọng. Hội nghị đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp hết sức thiết thực, khoa học và đó là điều kiện quan trọng để Ban Tổ chức Trung ương xây dựng được một văn kiện hoàn chỉnh trước khi trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trần Thiết - Hữu Vinh - Thành Sáng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất