Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20-10, dự kiến sẽ diễn ra trong 33 ngày làm việc. Theo thông lệ, đây là kỳ họp cuối năm, tập trung dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo về công tác của ngành tư pháp. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dành 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.
18 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua là: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự, Luật Căn cước công dân, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
3 dự thảo Nghị quyết sẽ trình Quốc hội thông qua là: Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật.
12 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này là: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản pháp luật; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Thú y.
Thời gian còn lại, Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015 cùng nhiều báo cáo khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do Quốc hội phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13.
Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 14 buổi (tăng 3 buổi so với Kỳ họp thứ 7) để truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh thời sự VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh thời sự - chính trị tổng hợp VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Các đại diện cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh các nội dung về chương trình kỳ họp, về cách thức đổi mới trong điều hành các phiên họp.Có nhiều ý kiến xung quanh việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, lần này sẽ vẫn được diễn ra theo cách như kỳ họp trước.Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luật cho ý kiến sửa đổi Nghị quyết này. Theo đánh giá của cá nhân Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau lần lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp trước, nhiều đồng chí có kết quả tín nhiệm không cao đã có nhiều chuyển biến tốt trong các lĩnh vực phụ trách, được nhân dân đồng tình, ghi nhận. Đồng chí cũng cho rằng, đây chính là một kênh tham khảo quan trọng trong việc đánh giá cán bộ chuẩn bị nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ tới của Đảng.
Thuỷ Lê