Ngày 6-6, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kế hoạch số 10-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo Kế hoạch này, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết, nhận thức rõ thực trạng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ; nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết để tổ chức thực hiện hiệu quả. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong hệ thống chính trị để Nghị quyết được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đổi mới công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; làm cơ sở để tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu căn cứ Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch của Bộ Chính trị, đánh giá tình hình và yêu cầu thực tế tại đơn vị mình để chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, sát đúng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả; kịp thời khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Về các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các công việc cụ thể. Đó là, xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi để thực hiện Nghị quyết; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ.
Cùng với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khẩn trương cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý. Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về công tác cán bộ.
Cơ quan sử dụng cán bộ phải quản lý cán bộ chặt chẽ, hiệu quả; người đứng đầu chịu trách nhiệm chính về quản lý cán bộ theo phân cấp. Cụ thể hóa tiêu chuẩn, bảo đảm chặt chẽ quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; mở rộng, phát huy dân chủ, tăng cường cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin, chất vấn, phản biện và giải trình khi có yêu cầu trong công tác cán bộ.
Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ, kịp thời thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm. Quán triệt để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới…
Hoa Hiền