Sáng 1-10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Ban Chỉ
đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ
Thành phố Hà Nội long trọng khai mạc Chương trình 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000
năm Thăng Long - Hà Nội và đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới của
UNESCO trao cho khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Dự khai mạc Đại lễ có đồng chí Nguyễn Phú
Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê
Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Phó Chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Thủ tướng Thường
trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Thăng
Long - Hà Nội; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm…
Đại biểu quốc tế có bà Irina Bukova, Tổng Giám
đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), đại diện các tổ chức
quốc tế, các đoàn ngoại giao Đại sứ quán, đại diện các Đại sứ quán UNESCO một
số nước…
Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội dự buổi lễ có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh;
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch MTTQ thành phố Đào Văn Bình…
cùng các bà mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang, đại diện các sở, ban, ngành
thành phố; các nhân sĩ trí thức, tôn giáo, lực lượng vũ trang và các tầng lớp
nhân dân Thủ đô, cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố của cả nước.
Mở đầu phần lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Phú Trọng thắp lửa thiêng; các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam làm lễ
dâng hương, kính cẩn tưởng nhớ tri ân các vị tiền nhân đã đổ máu xương để đem
lại một Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành
phố Vì hòa bình, hữu nghị.
Kỷ niệm sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là
sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Vào mùa Thu năm Canh Tuất
1010, Vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư về
vùng trung tâm châu thổ Sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc
Việt Nam
Đọc diễn văn khai mạc buổi lễ, đồng chí Phạm Quang
Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ôn lại những dấu mốc đáng
nhớ của Thủ đô Hà Nội; bày tỏ lòng thành kính và biết ơn công lao của các bậc
tiền nhân trong cuộc trường chinh vĩ đại dựng nước và giữ nước; Tự hào về khí
phách của ông cha, vượt qua thử thách, truyền thống hào hùng được tiếp nối bằng
những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan,
Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không…
Khát vọng vươn lên của Thăng Long- Hà Nội
còn được thể hiện trong ý chí nuôi dưỡng hiền tài để dựng xây đất nước, coi
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thăng Long -Hà Nội cũng là nơi hội tụ của
bao khối óc, con tim, của những người tài hoa chung tay góp sức xây dựng Thủ
đô, cũng là nơi lắng đọng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam kết hợp với giá trị văn hóa, văn minh nhân loại.
Lịch sử Thăng Long - Hà Nội luôn khắc ghi hình
ảnh tên tuổi của biết bao người con đã quả cảm hy sinh như Tổng đốc Hoàng Diệu,
Nguyễn Tri Phương, những chiến sĩ ôm bom ba càng “quyết tử để Tổ quốc quyết
sinh”. Tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc,
Danh nhân văn hóa thế giới…
Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, Thành
phố Hà Nội sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu
hết sức to lớn, xứng đáng là Thủ đô của đất nước. Quanh Hồ Gươm huyền thoại,
cùng với vẻ đẹp 36 phố phường là những công trình, dự án mới làm cho Thủ đô
ngày càng khởi sắc.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, hướng
tới Đại lễ, thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh
tế-xã hội, các công trình, dự án; thực hiện tốt chính sách với những người có
công, những gia đình chính sách; đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng người
Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Cũng trong buổi Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm
1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO đã thay mặt nhân
dân Thủ đô đón nhận bằng của UNESCO công nhận Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành
Thăng Long-Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới từ bà Irina Bukova, Tổng giám đốc
UNESCO và bà Katherine Muller Martin - Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Hà
Nội (Ảnh).
Tiếp sau sự kiện 82 Bia Tiến sĩ của Văn Miếu -
Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản ký ức nhân loại, sự kiện này thêm
một lần khẳng định giá trị đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội 1000 năm luôn là
Trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa, kinh tế, giao lưu quốc tế quan
trọng của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, bà
Irina Bukova, Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Việc đầu tư công sức, chỉnh trang
đường phố và sự có mặt đông đảo của người dân ngày hôm nay là minh chứng sự gắn
bó của các bạn với quá khứ huy hoàng, xem đó như ngọn đuốc soi đường cho tương
lai. Rất có ít nước trên thế giới giữ được ký ức sống động về Thủ đô từ nghìn
năm mà không bị mai một theo thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn từ điều
này. Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới là một
vinh dự, đồng thời cũng mang đến một cam kết mới, trách nhiệm mới đối với tất
cả các bạn”.
(Nguồn: VOV.vn)