Sáng 4-5, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận, thông qua: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thảo luận, cho ý kiến về: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đóng góp ý kiến về Báo cáo các công việc Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc, gợi mở nêu các vấn đề để Trung ương quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, quyết định.
Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.
Tại hội nghị này, Trung ương cần cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 tại các hội nghị tiếp theo.
Tổng Bí thư chỉ rõ, để tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội Đảng, thật sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất của Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương đã nêu khá đầy đủ về yêu cầu xây dựng một Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tiêu chuẩn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; số lượng, cơ cấu, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.
Tổng Bí thư đề nghị mỗi Ủy viên Trung ương Đảng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên.
Về tiêu chuẩn ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay, phải chăng cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu?
Trong công tác nhân sự, cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm."
Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự đại hội đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.
Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc và căn cứ để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về vấn đề quan trọng này, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Các Ủy viên Trung ương cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án, chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế- xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.
Về Dự án sân bay quốc tế Long Thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với toàn vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tổng vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài, sử dụng một diện tích đất đai lớn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và môi trường sống của hàng chục vạn người dân.
Vì vậy, mặc dù Trung ương đã cho chủ trương chung và ngay từ năm 2005, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông -Vận tải lập báo cáo tiền khả thi, đến nay đã hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và được Chính phủ thông qua.
Nhưng tại Hội nghị lần này, Trung ương vẫn cần cho ý kiến về các vấn đề nêu trong tờ trình và Báo cáo đầu tư Dự án của Ban Cán sự đảng Chính phủ, có kết luận định hướng để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Trung ương cần tập trung cho ý kiến về sự cần thiết, tính khả thi của Dự án; nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng; phương án tái định cư, bảo đảm việc làm và môi trường sống đồng bào vùng di dời; phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành; hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án; cơ chế đặc thù cho dự án; các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong những ngày qua đã khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân ta niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng. Hơn ai hết, mỗi Ủy viên Trung ương cần phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng và dân tộc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành thật tốt trọng trách được giao.
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư kêu gọi các Ủy viên Trung ương hãy phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, bảo đảm cho thành công của hội nghị.
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 7-5.
Nguồn: TTXVN