Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và hướng tới Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Kỳ họp thứ 11 còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Quốc hội dành thời gian 4 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án Luật bao gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam- Hoa Kỳ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày để xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Nguồn: TTXVN