Chiều 13-10, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Lãnh đạo Ban tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì và trực tiếp thông báo một số kết quả của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).
Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự có các đồng chí Lãnh đạo Ban, các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ, uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ; bí thư, phó bí thư, chi uỷ viên chi bộ; uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ; các đồng chí trong các ban tham mưu, giúp việc của Đảng uỷ; các đồng chí là trưởng phòng và tương đương trở lên; trưởng, phó các tổ chức đoàn thể cơ quan; toàn thể đảng viên Chi bộ Vụ Địa phương II và Chi bộ Vụ Địa phương III.
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng vào các Báo cáo và Đề án do Bộ Chính trị và Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Trung ương. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề: Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII); Báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; Quy định về những điều đảng viên không được làm; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.
Về đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, đa số ý kiến Trung ương thống nhất cao và cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình, Báo cáo, dự thảo Kết luận, dự thảo Quy định; cho rằng các tài liệu được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học, chất lượng, đúng quy trình; đã tiếp thu ý kiến của các ban đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các chuyên gia, nhà khoa học; đánh giá sâu sắc, toàn diện, rõ nét, số liệu thống kê thuyết phục, sát thực tiễn.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cùng với Quy định những điều đảng viên không được làm là bước phát triển, đột phá từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đáp ứng yêu cầu tình hình mới, nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng và Nhân dân. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), (khóa XII) đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) tại Hội nghị.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh 7 vấn đề mới trong dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị, phạm vi thực hiện không chỉ với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mà còn là các cơ quan dân cử, chính quyền và đội ngũ công chức, viên chức, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và thành viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức này. (2) Nhận diện rõ hơn, đầy đủ hơn và có hệ thống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. (3) Bảo đảm hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. (4) Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phải chủ động tiến công, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. (5) Nội hàm của phòng, chống tiêu cực chính là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. (6) Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nêu cao ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; đề cao tự phê bình và phê bình. (7) Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Thảo Nguyên