Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao giải A tặng các tác giả đoạt giải.

Tới dự buổi lễ, có các đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH); Nguyễn Sinh Hùng, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH.

Đến dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo MTTQ, các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và TP Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam; các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải và đông đảo công chúng Thủ đô.


Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong suốt hơn 30 năm đổi mới nói chung và trong năm 2016 nói riêng, báo chí nước nhà đã có những đóng góp to lớn và quan trọng trong thành tựu chung của đất nước. Báo chí đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là đã tuyên truyền sâu rộng và có hiệu quả việc thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với việc thực hiện chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí ghi nhận các cơ quan báo chí đã luôn bám sát, phản ánh kịp thời sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Cùng với việc kịp thời phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, mô hình sáng tạo, gương người tốt việc tốt, báo chí còn là kênh thông tin phản ánh trung thực, sinh động tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; chủ động tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Đồng chí nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò xung kích, những đóng góp to lớn của báo chí cả nước trong việc tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho rằng trong thời gian tới, sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao đặt ra cho báo chí nước nhà những yêu cầu, nhiệm vụ mới với trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Để báo chí tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc phát hiện, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội. Chủ động phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động.

Các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống, an ninh thông tin, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế trong công việc làm báo. Các cấp hội nhà báo cần phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết rộng rãi hội viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nêu cao tính trung thực, nhân văn và đạo đức người làm báo cách mạng.

Đồng chí Trần Đại Quang cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần cải tiến, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia, thu hút ngày càng nhiều tác phẩm xuất sắc, có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời những tác giả và tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà ngày càng phát triển. Các ban, bộ ngành địa phương cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức đoàn kết và bồi dưỡng chính trị, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên nhà báo cả nước. Các cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, thực hiện Đề án Giải báo chí quốc gia và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia, năm nay là năm thứ 11 Giải báo chí quốc gia được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng. Giải đã thu hút hơn 1.630 tác phẩm tham dự từ khắp nơi trên cả nước, ở mức cao nhất trong các mùa giải. Các cấp Hội địa phương tham dự cũng đạt mức cao, với 59/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải, khẳng định sức thu hút của Giải đối với hội viên cả nước. Đồng chí Thuận Hữu đánh giá những tác phẩm được trao giải năm nay đều là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm cao và đặc biệt là tính sáng tạo của từng tác giả và nhóm tác giả trong cách thể hiện, nhất là áp dụng công nghệ làm báo tiên tiến; góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của giải thưởng báo chí quốc gia.

Giải báo chí Quốc gia lần thứ XI-2016 tiếp tục được các cấp hội hưởng ứng tích cực, với 1.637 tác phẩm từ 214 đơn vị và cá nhân gửi tham dự. Ban Thư ký tổng hợp Giải đã thẩm định và đưa vào chấm sơ khảo 1.550 tác phẩm. Các tiểu ban của Hội đồng sơ khảo tiến hành chấm 2 vòng theo quy chế. Trên cơ sở kết quả cụ thể của từng tiểu ban, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 139 tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, Hội đồng Chung khảo đã quyết định 129 tác phẩm vào chung khảo tham dự 11 loại giải. Kết quả có 95 tác phẩm đạt giải, trong đó có 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải Khuyến khích. Số tác phẩm đạt giải của các cơ quan báo chí địa phương chiếm hơn 50%.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất