Còn nhớ, mùa xuân năm Mậu Thân 1968, Mỹ-Ngụy đã choáng váng trước đòn đau trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ tan thành mây khói. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố “phi Mỹ hóa chiến tranh”, ném bom hạn chế miền Bắc và đề nghị nói chuyện với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3-4-1968, Chính phủ ta đồng ý tiếp xúc với Mỹ. Một bước ngoặt mới bắt đầu mở ra.
Toàn cảnh Hội nghị ký Hiệp định Pa-ri 27-1-1973
Ngày 13-5-1968 diễn ra phiên họp khai mạc Hội nghị hai bên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Cờ-lê-bơ (Kléber). Đoàn đại biểu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn; đoàn của Mỹ do A. Ha-ri-man (A.Hariman) làm trưởng đoàn. Cuộc họp hai bên kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến ngày 18-1-1969. Trong cuộc họp, chủ trương của ta là đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bon miền Bắc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế, tìm hiểu, thăm dò ý đồ của Mỹ.
Tháng 1-1969, R.Ních-xơn (R.Nixon) lên nắm quyền ở Nhà Trắng tiếp tục cuộc đàm phán ở Pa-ri. Ta đi nước cờ mới, đấu tranh đòi phải có Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (DTGPMN) Việt Nam dự họp. Phía Mỹ đề nghị có thêm đoàn Chính phủ Sài Gòn. Hội nghị bốn bên được tiến hành. Ngày 18-1-1969, khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội nghị bốn bên. Thành phần tham gia Hội nghị bốn bên có một số thay đổi về nhân sự. Đoàn đại biểu của Nhà nước ta vẫn do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn và ông Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt. Phía Mỹ do C.Lo-giơ (C.Lodge) làm trưởng đoàn và H.Kít-sinh-giơ (H.Kissinger) làm cố vấn đặc biệt. Đoàn của Mặt trận DTGPMN Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm (Ủy viên TƯ Mặt trận DTGPMN VN) làm trưởng đoàn (sau đó, từ ngày 1-7-1971 do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm trưởng đoàn). Đoàn chính quyền Sài Gòn do ông Phạm Đặng Lâm (Đại sứ Sài Gòn tại Pa-ri) làm trưởng đoàn.
Trong quá trình đàm phán, giữa ta và Mỹ có những cuộc tiếp xúc riêng (giữa hai ông Lê Đức Thọ và Kít-sinh-giơ). Cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt, Kít-sinh-giơ tỏ ra rất ngoan cố và thiếu thiện chí. Đồng chí Lê Đức Thọ đã “đánh bài ngửa” rằng: “Chúng tôi đã đánh với các ông bao nhiêu năm, ông biết rồi (...). Trong hai con đường hòa bình và chiến tranh, các ông nên chọn một. Nếu các ông chọn con đường hòa bình thì chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách hòa bình”. Cuộc đấu tranh diễn ra hết sức phức tạp, gay go và quyết liệt. Mỹ chủ trương đàm phán trên thế mạnh, tiếp tục có những hành động leo thang chiến tranh. Ta vừa mềm dẻo, kiên quyết trong đấu tranh ngoại giao vừa thể hiện sức mạnh trêm mặt trận quân sự. Ta đánh thắng kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và mở nhiều chiến dịch lớn ở Đông Hà, Đắc Tô, Tân Cảnh, An Lộc, Khu 5... và giành được những thắng lợi to lớn.
Mỹ thua đau nhưng vẫn cố tung con bài cuối cùng: R.Ních-xơn ra lệnh ném bom miền Bắc bằng B.52, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng liên tục 12 ngày đêm. Nhưng Mỹ không ngờ được rằng, quân và dân ta lại có thể làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, đập tan cuộc đột kích bằng không quân của đế quốc Mỹ. Sau bao lần ngoan cố, lật lọng, cuối cùng vào 12 giờ 45 phút ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ và đại diện Mỹ Kít-sinh-giơ cầm bút ký tắt Hiệp định. Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng ngoại giao các bên đàm phán (ông Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, W.Rô-giơ (W.Roger), Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Trần Văn Lắm, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam cộng hòa) đã ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam tại Cờ-lê-bơ theo đúng quy định quốc tế.
Đây là một thắng lợi lớn của ta. Bởi lúc đầu phía Mỹ đề nghị chỉ ký hai bên (giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ) với mưu đồ không thừa nhận chữ ký của đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sau này sẽ viện cớ Chính quyền Sài Gòn không ký sẽ không thi hành Hiệp định. Hiệp định gồm có 9 chương, 23 điều và 7 nghị định thư kèm theo quy định cụ thể việc thi hành Hiệp định. Ngày 2-3-1973, đại diện 12 nước họp tại Pa-ri ký Định ước ghi nhận tính pháp lý quốc tế của Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.
Thắng lợi này đã giúp ta giải quyết các mục tiêu cơ bản như bắt Mỹ và các nước khác phải cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ở miền Nam Việt Nam, hai bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả tù binh và dân thường bị bắt. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự ở miền Nam chậm nhất là 60 ngày, phải hủy bỏ các căn cứ quân sự tại miền Nam, tháo gỡ bom mìn phong tỏa miền Bắc. Mỹ và các nước khác phải công nhận ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị, có Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc. Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ thực hiện bằng phương pháp hòa bình, thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ.
Thắng lợi của Hiệp định có ý nghĩa lớn lao cả về chính trị, quân sự, ngoại giao; là bước đầu chúng ta thực hiện thành công lời Bác “đánh cho Mỹ cút” và tạo đà cho trận thắng quyết định “đánh cho Ngụy nhào” vào mùa xuân năm 1975. 39 năm đã trôi qua, chúng ta càng thấy ý nghĩa lịch sử to lớn và hết sức quý báu của Hiệp định Pa-ri năm 1973, đồng thời rút ra được những bài học sâu sắc cho hôm nay.
Nguyễn Thị Thọ
Trường CĐSP Huế