Một số giải pháp kinh tế – xã hội của Chính phủ 3 tháng cuối năm 2012
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp báo.

Ngày 27-9-2012, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại cuộc họp báo, đồng chí Vũ Đức Đam đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và của 9 tháng năm 2012; giải pháp của Chính phủ cho 3 tháng cuối năm 2012 và trả lời một số câu hỏi của các nhà báo.

Tháng 9 và 9 tháng năm 2012, bằng việc tích cực triển khai các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, tăng trưởng GDP tiếp tục quý sau cao hơn quý trước (GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng khoảng 5,35%). Tính chung 9 tháng đầu năm tăng 4,73%. Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần. Sản xuất nông, lâm, thủy sản khá ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng ước tăng 3,7%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2%, thủy sản tăng 5,3%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mặc dù thấp nhưng đang có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước là rất thấp…

Trong quý cuối cũng như để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

- Thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đi liền với chất lượng tín dụng; tổng phương tiện thanh toán phù hợp; giữ ổn định tỷ giá, lãi suất phù hợp với lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa góp phần kiềm chế lạm phát.

- Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi, giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.

- Tăng cường tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo các đề án đã phê duyệt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính; đẩy nhanh cổ phần hóa; nâng cao năng lực tổ chức, quản trị doanh nghiệp.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là người lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Thực hiện tốt, có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

- Bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa các vụ khiếu nại mới,...

 - Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất