Năm 2014, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định. Cán cân thanh toán có kết dư, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ. Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những chuyển biến tuy còn nhiều khó khăn; ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao gấp 2 lần so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện. Thu hút và giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm. Các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp đã được triển khai. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững;…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát kiểm soát tốt nhưng chưa vững chắc, bội chi vẫn cao hơn kế hoạch, điều tiết giá chưa tốt, hoạt động của một số tổ chức tài chính tín dụng chưa thật an toàn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nợ xấu còn cao, tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch, công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều yếu kém…

Bước sang năm 2014, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vẫn phải tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013; huy động và sử dụng phù hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều nguồn lực cho phát triển và bảo vệ đất nước…

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu cho năm tới phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,8%; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 5,3%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2013; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người đạt 24,9 m2/người; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý đạt 85%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%...  

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2013, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: 1) Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất. 2) Tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách. 3) Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. 4) Tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong và ngoài nước. 5) Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 6) Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và việc làm. 7) Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 8) Thực hiện quyết liệt đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 9) Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm tính khách quan về tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu của chính sách, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.


Đối với năm 2014 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu là:
Kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, trong các doanh nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020. Phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế biển theo tinh thần Kết luận số 60/KL-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Biển, tập trung phát triển 6 nhóm ngành kinh tế biển theo Điều 43 Luật Biển Việt Nam năm 2012. Nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy cạnh tranh khu vực dịch vụ, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực. Phát triển khoa học công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất