Chiều ngày 20-9-2018, Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương tổ chức nghiệm thu cấp bộ (ban đảng) “Đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu trong hệ thống Đảng đáp ứng yêu cầu thời kỳ phát triển mới”, mã số KHBĐ (2016) – 11 do PGS, TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Chủ nhiệm.
Đây là đề tài thật sự cần thiết cả về lý luận và thực tiễn, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế, khuyết điểm về tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới hiện nay. Những thành tựu trong tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nói chung được thực hiện trong hơn 30 năm đổi mới đã tạo thế và lực mới cho toàn bộ hệ thống chính trị (HTCT), bảo đảm cho mỗi tổ chức trong HTCT từ Đảng, Nhà nước đến MTTQ và các tổ chức CT-XH đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ chính trị đặt ra. Về thực chất, một HTCT mới đã từng bước được hình thành, rút ngắn dần khoảng cách giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị ở nước ta. Về cơ bản, HTCT nước ta trong hơn 30 năm qua đóng vai trò tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại và quá trình hội nhập quốc tế. Những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng, cung cấp những căn cứ, quyết sách cho các tổ chức Đảng nhằm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trước yêu cầu thực tiễn hiện nay: Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có sự hội nhập về chính trị. Bài toán “về sự phù hợp giữa kinh tế và chính trị” đang đặt ra những vấn đề mới đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng. Mặt khác, khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đi vào chiều sâu, những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới đang đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do vậy, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng đang là một yêu cầu cấp bách, một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược to lớn. Qua nhiều kỳ đại hội, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI và XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quyết định quan trọng về công tác tổ chức, những sửa đổi, bổ sung trong Điều lệ Đảng, từng bước xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng các cấp. Nhờ đó, tổ chức bộ máy và hoạt động ngày được nâng cao về chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh những thành tựu, ưu điểm đạt được, cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động và đội ngũ cán bộ của các cơ quan tham mưu, giúp việc trong hệ thống Đảng: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Vẫn còn một số vấn đề về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức hoạt động trong một tổ chức và giữa các tổ chức chưa được quy định cụ thể. Thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức chưa được chế định một cách hệ thống, đồng bộ, chặt chẽ. Cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chia cắt, bất hợp lý, kém hiệu quả, trên một số lĩnh vực, Một số ban chỉ đạo có nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan Nhà nước, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các cơ quan nhà nước. Các cơ quan tham mưu, giúp việc khối Đảng các cấp tuy chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng lại có phần dập khuôn về mô hình, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động; có quy mô công việc, tính chất và đặc điểm khác nhau nhưng đầu mối tổ chức không khác gì nhau, số lượng lãnh đạo cấp phó còn nhiều, số người hưởng cấp “hàm” ở một số cơ quan Đảng Trung ương chưa hợp lý…
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong HTCT. Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số ban, bộ, ngành Trung ương để có chủ trương phù hợp. Kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, nhất là ở cấp chiến lược”. Tinh thần đó được thể hiện cụ thể trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) ngày 28-5-2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện HTCT từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, rất cần nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tham mưu trong hệ thống Đảng các cấp nhằm xác lập những căn cứ lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ phát triển mới. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016), nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và HTCT theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành… Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII có 2 nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu về xây dựng Đảng và HTCT.
Đề tài được Hội đồng đánh giá 93,3/100 điểm, đạt loại Xuất sắc. Kết luận buổi nghiệm thu, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh: Đề tài được triển khai nghiêm túc, công phú. Phương pháp tiếp cận vấn đề cơ bản phù hợp. Đề tài kết cấu 3 chương 9 tiết cơ bản hợp lý, luận điểm, luận cứ cơ bản sắc rõ. Sản phầm của đề tài dày dặn, phong phú. Sau buổi nghiệm thu, Chủ nhiệm Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các nhà khoa học trong Hội đồng để Đề tài có thể hoàn thiện hơn.
Thu Huyền