Tại Mát-xcơ-va, Liên bang Nga, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga vừa tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề “Kết quả Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, các vấn đề và triển vọng phát triển của Việt Nam”.
Hội thảo nhằm thông tin cho đông đảo những người Nga quan tâm đến Việt Nam về các thành tựu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong giai đoạn 2011-2015 và phương hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Tới dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên ngoại giao của Nga. Đồng chí Phạm Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy tại Nga đại diện Việt Nam tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, quyền Viện trưởng Viện Viễn Đông Xéc-gây Lu-gi-a-nin nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam trong đời sống chính trị của Việt Nam, đồng thời khẳng định việc nghiên cứu và thông tin rộng rãi cho người dân Nga biết về kết quả của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như phương hướng phát triển của Việt Nam trong những năm tới là rất quan trọng đối với phía Nga; góp phần giúp ban lãnh đạo Nga lựa chọn chính sách đối ngoại đúng đắn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam.
12 tham luận tại Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khẳng định những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong những năm đổi mới là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, sự lựa chọn đường lối phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Các tham luận tại hội thảo cũng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá của Việt Nam là đúng đắn; đánh giá cao sự chủ động hội nhập quốc tế và vai trò, đóng góp của Việt Nam đối với các tổ chức, diễn đàn, vấn đề khu vực và quốc tế; đánh giá tích cực triển vọng quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, gia tăng các nguy cơ về an ninh và tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh Việt Nam đã có chính sách hiện đại hoá và củng cố tiềm lực quân sự đúng đắn, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ và giữ vững môi trường chính trị ổn định để phát triển đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, ngoài việc khẳng định con đường phát triển và những mục tiêu cần đạt được của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, một thành công của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam là đã đoàn kết, nhất trí bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chính những nhân tố mới, việc trẻ hoá nhân sự và 3 gương mặt nữ trong Bộ Chính trị sẽ bảo đảm cho Việt Nam sự năng động, thành công trong phát triển kinh tế.
Đánh giá về kết quả Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, ông An-tôn Tờ-svê-tốp, chuyên viên của Uỷ ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có thành phần mạnh như hiện nay là quan trọng, vì những nhân tố mới sẽ đem lại những sáng kiến mới, ý tưởng mới.
Việc trẻ hoá đội ngũ cũng quan trọng vì những người trẻ sẽ có nhiều động lực, dám nghĩ, dám thay đổi, nhưng cũng cần kinh nghiệm của những người đứng tuổi.
Việc lựa chọn thành phần của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khẳng định đường lối của Việt Nam trong những năm tới, đó là nâng cao vị thế của Việt Nam tại khu vực và quốc tế, đó là đổi mới mô hình phát triển kinh tế, cải cách kinh tế và điều đó sẽ bảo đảm cho sự phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới.
Ông Vla-đi-mia Ma-gi-in, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông cho rằng, ngoài những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 như: giữ tăng trưởng GDP hằng năm cao ở mức trung bình 6%, hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước và hội nhập quốc tế nền kinh tế (ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu tháng 5-2015) thì trong thời gian tới Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế.
Ông Vla-đi-mia Ma-gi-in nhấn mạnh: “Việt Nam vẫn chưa đạt được những nhiệm vụ chính của mục tiêu biến đất nước thành nước công nghiệp hoá, cho dù vẫn còn thời gian để hoàn thành nó vào năm 2020. Mặc dù vậy Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này (công nghiệp đóng góp 38% trong tăng trưởng GDP) và thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới trong 30 năm đổi mới, cho nên tôi đánh giá cao nỗ lực này".
Tuy nhiên, trên quan điểm của một nhà kinh tế, ông Vla-đi-mia Ma-gi-in cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục đặt trọng tâm vào tiến trình công nghiệp hoá.
Văn kiện Đại hội XII cũng chỉ ra rằng, cần phải kết hợp phát triển nhanh và bền vững, chuyển sang nền kinh tế tri thức và chỉ có như vậy thì Việt Nam mới không bị tụt hậu với các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là vấn đề rất cấp bách và Việt Nam cần phải chú trọng hơn cả.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về vấn đề tiềm năng con người, việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lãnh đạo và đời sống chính trị của Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa của cuộc Hội thảo, ông Vla-đi-mia Ma-gi-in khẳng định, Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước Việt Nam, do vậy Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN rất vinh dự khi tổ chức Hội thảo này.
Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông sẽ dịch các văn kiện của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam sang tiếng Nga và tập hợp cùng các báo cáo tham luận để xuất bản cuốn Kỷ yếu của hội thảo trong thời gian tới.
Thành Phương